Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

15/01/2024 14:07    108

Trong thời gian qua, theo báo cáo của các địa phương và cơ quan liên quan, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng, hình thành được hơn 200 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí khoảng 397.901,064 triệu đồng (trong đó, ngân sách hỗ trợ 135.740,197 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp, người dân 226.160,867 triệu đồng). Riêng đối với Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thông qua nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia 04 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

               

Việc triển khai xây dựng, hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện là tín hiệu đáng mừng, vì thông qua đó bước đầu đã hình thành các chuỗi cung ứng an toàn, liên kết sản xuất và tiêu thụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, góp phần gắn kết trách nhiệm giữa các mối liên kết cũng như đầu ra sản phẩm trong các chuỗi liên kết tương đối ổn định.

Các mô hình chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua đánh giá, cho thấy đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với các thị trường trong nước và cơ hội để xuất khẩu ra các thị trường trong khu vực.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 22/6/2022). Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh sự liên kết giữa các nhân tố, thành phần trong các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, truy xuất được nguồn gốc; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi; đổi mới tổ chức sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi và phương thức quản lý theo Luật An toàn thực phẩm. Qua thời gian triển khai, đến nay ngành Nông nghiệp và PTNT đã xác nhận được 53 chuỗi thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Bên canh những kết quả đáng ghi nhận, việc xây dựng, hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Mới chỉ dừng lại ở mức liên kết của các nhà sản xuất, kinh doanh có điều kiện kinh tế và quy mô sản xuất lớn, sự liên kết chưa được ổn định và duy trì phát triển, nhiều mô hình liên kết tồn tại trong thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều, giá trị gia tăng chưa cao,…

 Nhìn nhận được những bất cập, hạn chế trên, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung chỉ đạo một số giải pháp trong thời gian tới, như : (1) Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO,...(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. (3) Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, có giá trị gia tăng; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước, khu vực và hướng ra toàn cầu. (4) Hướng dẫn, hỗ trợ lựa chọn, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ trong đó tập trung vào sản phẩm có thế mạnh của địa phương, hoàn thiện về mặt giá trị sản phẩm (ưu tiên sản phẩm tham gia chương trình OCOP, chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn) phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của địa phương. (5) Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp từ các nguồn kinh phí của các Chương trình mục tiêu Quốc gia. (6) Nâng cao công tác đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhập, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản. Đây là cơ sở để giúp người nông dân, doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản, là cơ sở thiết lập hợp đồng dài hạn giữa người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ.

Đặng Tấn Thương - Phó chi cục Trưởng Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở