Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước mùa mưa, lũ 2023 với phương châm “Chủ động phòng tránh, kiên quyết chống dịch”

09/11/2023 10:50    122

Trong những tháng cuối năm 2023, các hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão, thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và gây bệnh, ảnh hưởng lớn sự phát triển đàn gia súc, gia cầm. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước mùa mưa, lũ, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi cần phải chủ động phòng chống đói rét và dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi; giảm thiểu các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trước tiên, các chủ cơ sở chăn nuôi cần kiểm tra và chằng chống chuồng trại để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ. Chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn fibro xi măng chưa kiên cố thì cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa.

Nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm cần được dự trữ đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Đối với trâu, bò: Cần dự trữ thức ăn xanh, có thể  phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp. Đối với lợn, gia cầm: Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc thú y…

Áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi an toàn sinh học giúp vật nuôi có đủ khả năng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

Đặt công tác tiêm phòng lên hàng đầu. Cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho mỗi loại vật nuôi. Đối với trâu, bò: bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Đối với lợn: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, heo tai xanh…

Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi… để giữ ấm.

Đối với những hộ chăn nuôi có đàn gia súc, gia cầm đến thời gian xuất chuồng thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do bão, lụt.

Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; chủ động đưa trâu, bò về nơi nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 120C.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, lưu thông, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhất là tại các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, các trục đường giao thông chính. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm như vận chuyển không có giấy kiểm dịch, vận chuyển vật nuôi, sản phẩm vật nuôi không rõ nguồn gốc; vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm ốm, bệnh hoặc chết; các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Các địa phương phải tập trung thực hiện tốt công tác tiêm phòng đợt 2/2023 và tiêm phòng bổ sung các loại bệnh: Dịch tả lợn, lở mồm long móng, cúm gia cầm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện và cơ sở để thông báo kịp thời diễn biến tình hình thời tiết mưa, rét, lạnh, diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng chống kịp thời cho người chăn nuôi áp dụng, xử lý các tình huống xảy ra gây bất lợi đối với đàn vật nuôi trong mùa mưa, bão.

Thanh Hiền

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở