Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh”

29/12/2023 14:55    91

Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm 2021 – 2023 (Dự án) do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi triển khai thực hiện tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức. Cụ thể, tại huyện Ba Tơ quy mô 155 con lợn Kiềng sắt với 6 hộ tham gia, huyện Sơn Hà quy mô 155 con với 6 hộ tham gia, huyện Mộ Đức quy mô 290 con với 6 hộ tham gia. Lợn giống Kiềng Sắt có trọng lượng bình quân 5kg/con, có nguồn gốc, xuất xứ từ đàn giống nuôi bảo tồn hoặc từ các cơ sở sản xuất, đơn vị cung ứng giống lợn Kiềng Sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, lợn giống khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định và được bình tuyển bởi Tổ giám định, bình tuyển giống vật nuôi của Sở nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi kiểm tra trước khi bàn giao cho các hộ chăn nuôi.

                              

Kết quả thực hiện Dự án cho thấy, các hộ tham gia mô hình đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, nên toàn bộ lợn trong mô hình đều khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt. Sau 5 tháng nuôi, lợn Kiềng Sắt đạt trọng lượng bình quân 45,8 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, hệ số tiêu tốn thức ăn 4.1. Tổng trọng lượng hơi đàn lợn Kiềng Sắt trong Dự án đạt 27.480 kg, với giá bán giao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg, tổng thu từ Dự án đạt gần 2,8 tỷ đồng, bình quân mỗi con lợn Kiềng Sắt thương phẩm cho lãi 450.000 đồng.

Qua 3 năm triển khai, Dự án đã tổ chức được 8 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho hơn 200 nông dân trong và ngoài mô hình, giúp người dân củng cố kiến thức, đồng thời nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã tổ chức được 2 Hội thảo tham quan mô hình cho 100 nông dân nhằm giới thiệu về mô hình dự án và kỹ thuật chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho các nông hộ để nhân rộng mô hình. Hội nghị sơ kết và tổng kết Dự án với gần 200 người tham gia nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình dự án, xác định những khó khăn, tồn tại và đúc kết bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn trong thời gian đến.  

Để có được kết quả trên, cơ quan chủ trì đã hết sức chú ý tới công tác chọn điểm, chọn hộ; công tác đào tạo, tập huấn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào mô hình... Trong đó, công tác chọn điểm, chọn hộ đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công và nhân rộng của dự án nên cơ quan chủ trì đã xây dựng tiêu chí chọn điểm, chọn hộ. Căn cứ vào bộ tiêu chí này, các đơn vị phối hợp triển khai đã rà soát cụ thể từng tiêu chí và bổ sung thêm một số tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương dựa trên nguyên tắc đúng đối tượng và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ.

 Chị Phạm Thị Sóc ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ chia sẻ, năm 2023, gia đình chị tham gia mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm với số lượng 35 con lợn giống. Trong thời gian thực hiện mô hình, chị được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, đồng thời được cán bộ kỹ thuật thường xuyên hỗ trợ nên sau gần 5 tháng nuôi, lợn Kiềng Sắt đạt trọng lượng bình quân 45 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. “Lợn Kiềng Sắt rất dễ nuôi, thức ăn cho lợn là các loại rau có sẵn tại địa phương như dây khoai lang, khoai môn, thân cây chuối, cám gạo, bột bắp. Vừa qua, gia đình tôi đã bán 5 con với tổng trọng lượng hơn 200 kg, giá bán 100.000 đồng/kg, thương lái đến tận chuồng để mua, ngoài ra gia đình tôi đã lựa chọn được 5 con lợn nái để làm giống, hiện cả 5 con lợn này đều đang có chửa, dự kiến khoảng hơn hai tháng nữa sẽ đẻ” chị Sóc co biết thêm.

Có thể nói, Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi là hoàn toàn phù hợp. Mô hình nên được nhân rộng nhằm giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm cho lao động nông thôn, bên cạnh đó còn tạo ngành nghề có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của các hộ dân nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, Dự án đã góp phần khôi phục, bảo tồn nguồn gen vật nuôi đặc hữu của tỉnh, giữ gìn đa dạng sinh học và từng bước phát triển chăn nuôi lợn bản địa.   

 

 

Mạnh Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở