Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất cây lạc trên chân đất lúa thiếu nước tưới vụ Hè Thu

14/07/2023 15:34    230

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường không theo quy luật, những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa và các loại cây thực phẩm ngắn ngày khác. Để chủ động ứng phó với những tác hại của thiên tai; việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường không theo quy luật, những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa và các loại cây thực phẩm ngắn ngày khác. Để chủ động ứng phó với những tác hại của thiên tai; việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Một số tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng cho mô hình chuyển đổi trồng cây lạc trên chân đất lúa thiếu nước tưới vụ Hè Thu: Xác định thời vụ xuống giống phù hợp; sử dụng giống mới, chịu hạn, có tiềm năng năng suất cao; thay đổi kỹ thuật làm đất, lên luống nhỏ, rò cao, tưới nước thấm; sử dụng vôi xử lý đất và bón thúc; bón phân cân đối,…

Thời vụ xuống giống thích hợp vụ Hè Thu gieo từ tháng 4 đến tháng 5 (tránh gặp nắng nóng (>35o) vào giai đoạn ra hoa, đâm tia, mưa cuối vụ).

Sử dụng giống lạc L14, LDH01 có khả năng chịu hạn khá, độ đồng đều cao, ít nhiễm sâu bệnh, thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương và tiềm năng năng suất cao.

Lượng giống sử dụng: 200 - 220 kg/ha (10 - 11 kg/sào), gieo trồng theo chiều ngang luống với khoảng cách hàng cách hàng 25 – 30 cm và cây cách cây 10 – 12 cm, gieo 01 hạt/hốc.

Phương thức lên luống, tưới nước: Lâu nay nông dân trồng lạc lên luống theo kiểu vừa chìm, vừa nổi, áp dụng phương thức tưới ngập mặt luống vì đất lúa có tầng đế cày nên rất khó rút nước khi tưới thừa nước hoặc khi gặp mưa lớn. Khi mô hình chuyển giao phương thức lên luống nhỏ, luống cao (rộng 1 - 1,2 m, luống cao 20 – 25 cm, rãnh rộng 20 – 25 cm), áp dụng phương thức tưới thấm đã hạn chế việc thừa nước, thuận lợi cho cây lạc sinh trưởng phát triển tốt. Mặt khác tưới thấm theo rãnh tiết kiệm được lượng nước tưới và giảm công tưới nước.

Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm sau gieo 1 - 3 ngày: Dual gold 960EC, DIBSTAR 50EC hoặc ANTACO 500ND…

Trong trường hợp ruộng lạc có cỏ lá hẹp hoặc cây lúa do hạt lúa rụng từ vụ trước mọc nhiều cần sử dụng một trong các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm Targa super, Carza 5EC, Onecide 15EC, Fago 20EC… phun trừ cỏ, lúa lưu. Khi phun thuốc mặt ruộng phải đủ ẩm, phun thuốc bám ướt đều trên bề mặt lá cỏ, lá lúa để thuốc tiếp xúc tốt hơn nhằm tăng hiệu quả phòng trừ. Thời điểm phun thuốc khi cỏ hoặc lúa lưu có 3 - 4 lá.

 Phân bón: Tùy theo độ phì của đất, lượng phân khuyến cáo bón cho 01 ha như sau:

Phân chuồng hoai: 5 - 8 tấn (để hạn chế bệnh chết cây do nấm gây hại cần ủ phân chuồng với chế phẩm Trichoderma)

Phân vô cơ: 80 – 90 kg urê + 500 kg lân super + 130 kg kaliclorua + 500 kg vôi

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + phân lân super + 1/2 lượng vôi + 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kaliclorua.

Bón thúc lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá thật (sau mọc 10 - 12 ngày): 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kali còn lại. Không được bón phân có chứa đạm (N) trễ sau khi mọc 20 ngày.

Bón thúc lần 2: Khi  ra hoa rộ: bón 1/2 lượng vôi còn lại.

Chăm sóc: Tỉa dặm: Sau gieo 4 - 5 ngày tiến hành kiểm tra tỉa dặm kịp thời.    Tưới nước: Áp dụng phương pháp tưới thấm. Cho nước vào rãnh đến khi vừa giáp mặt luống để nước ngấm vào giữa luống, không nên tưới tràn trên mặt luống.

Trên cây lạc thường xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại chính: Sâu xám, sâu khoang, sâu xanh; bệnh héo vàng, héo xanh, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt... Thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh phun thuốc phòng trừ kịp thời.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Đây được xem là tiền đề để các địa phương trong tỉnh xác định lại cơ cấu sản xuất loại cây trồng phù hợp theo hướng hàng hóa, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng, là định hướng phù hợp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian đến.   

Lê Quyên

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở