Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Sản xuất ngô sinh khối tại tỉnh Quảng Ngãi – thực trạng và giải pháp

28/04/2023 16:31    157

Ngô có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Quảng Ngãi, là cây lương thực đứng thứ 2 sau cây lúa. Thời gian qua, Quảng Ngãi chủ yếu trồng ngô lấy hạt. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất ngô lấy hạt còn thấp, nguyên nhân do chi phí giống, phân bón cao nên giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó cạnh tranh được với ngô nhập khẩu. Nắm bắt được nhu cầu thức ăn xanh cho chăn nuôi bò hiện nay của tỉnh là rất lớn với số lượng gần 300 nghìn con, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô lấy thân (ngô sinh khối) làm thức ăn cho đại gia súc, trong đó chủ yếu liên kết sản xuất và tiêu thụ với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi (Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng đi mới này đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Quảng Ngãi.

Tình hình sản xuất ngô sinh khối tại Quảng Ngãi

Quảng Ngãi có diện tích đất nông nghiệp 322.034,6 ha chiếm 62,5% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Năm 2022, diện tích đất trồng ngô ước đạt 10.024 ha, các giống ngô lai được trồng phổ biến hiện nay như: PAC339, CP333, DK6919S, LVN17,…Diện tích sản xuất ngô lấy hạt trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần, nguyên nhân là do các giống ngô lai đang trồng phổ biến hiện nay được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá giống cao, phân bón cao, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế nên giá thành sản xuất cao, thậm chí cao hơn cả giá ngô nhập khẩu.

 

Năm 2022, diện tích sản xuất ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 863 ha, năng suất bình quân đạt 370,8 tạ/ha, tập trung ở các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ. Giống sử dụng để trồng ngô sinh khối hiện nay chủ yếu là NK7328, SSC586, LVN14,…Kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương cho thấy, trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như: Thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn, khoảng 75 - 90 ngày, ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25 - 35 ngày, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, vì thế đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.

Kết quả mô hình vụ Đông Xuân 2020 - 2021 ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (với diện tích hơn 10 ha), theo tính toán, 01 ha ngô sinh khối cho lãi 27 -  32 triệu. Nếu trồng 3 vụ/năm, nông dân có thể thu lãi 80 - 96 triệu/năm, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 1,5 - 2,0 lần so với trồng ngô lấy hạt. Cũng trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, kết quả mô hình tại xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (với diện tích 03 ha) năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, với giá bán 1.300.000 đ/tấn, sau khi trừ chi phí người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

Theo báo cáo của Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, từ năm 2020 - 2022, tổng diện tích gieo trồng ngô sinh khối của tỉnh Quảng Ngãi là 1.080 ha, năng suất trung bình 50 tấn/ha/vụ, có nơi đạt 60 - 62 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 50.000 tấn. Diện tích tập trung ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và Đức Phổ, chiếm 83,63% tổng sản lượng thu mua của Trang trại. Năm 2023, theo kế hoạch của Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi gieo trồng với diện tích 600 ha và dự kiến thu mua 25.000 tấn ngô ngô sinh khối.

Nhờ có hiệu quả cao nên hiện nay nhiều địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả của việc trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc, đánh giá các yếu tố sản xuất, tiêu thụ để định hướng vùng trồng ngô sinh khối phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương trong tỉnh.

Một số tồn tại, khó khăn trong sản xuất ngô sinh khối

Trong thời gian qua, việc sản xuất ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn đó là: (1) Chưa có giống chuyên dụng để sản xuất ngô sinh khối, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cả về sinh trưởng và hàm lượng các chất dinh dưỡng. (2) Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ ở quy mô hộ nên khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. (3) Hợp đồng liên kết đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ,...ngô sinh khối giữa doanh nghiệp và nông dân còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. (4) Chưa có cơ chế chính sách riêng đối với sản xuất ngô sinh khối nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Quảng Ngãi, dư địa để phát triển ngô sinh khối đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc là khá lớn, ngoài chuyển đổi một số diện tích sản xuất ngô lấy hạt sang ngô sinh khối, có thể khai thác đất trồng lúa không chủ động nước tưới, kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của ngành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, để mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững, cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, về giống: Cần có những nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giống ngô phù hợp và qui trình kỹ thuật canh tác (đất, thời vụ, giống, mật độ, phân bón, chăm sóc, thu hoạch, chế biến,…) để bổ sung vào cơ cấu giống ngô sinh khối đáp ứng các yêu cầu về năng suất và chất lượng phục vụ sản xuất ngô sinh khối của tỉnh. Hai là, về chính sách: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất để áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Ba là, về tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật sản xuất và quy trình chế biến ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho đại gia súc. Bốn là: Hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu sản xuất ngô sinh khối bền vững, đủ về số lượng, chất lượng, phục vụ phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

TS. Lê Thị Cúc

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở