Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tìm hướng phát triển bền vững cho cây tỏi Lý Sơn

09/05/2023 09:15    544

Tỏi là cây trồng đặc trương của huyện đảo Lý Sơn. Thương hiệu tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp cả nước với hương vị đặc trương, hàm lượng tinh dầu cao, rất được thị trường ưa chuộng. Mặc dù vậy, việc sản xuất tỏi của người dân trên đảo gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả bấp bênh. Do vậy, chỉ có liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, chế biến ra những sản phẩm có tính thương hiệu thì mới nâng cao được giá trị cho cây tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.

Hiện nay, việc sản xuất tỏi ở Lý Sơn chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống. Theo đó, cứ qua 1 đến 2 năm, người dân sẽ tiến hành thay đất trên đồng ruộng một lần. Nguồn đất để sản xuất cây tỏi chủ yếu là đất đỏ bazan ở địa phương và cát san hô hút lên từ dưới đáy biển. Với diện tích sản xuất tỏi hiện nay ở huyện khoảng 330ha thì mỗi năm vùng đất đảo này có đến vài triệu m3 đất, cát để thay thế cũng như loại bỏ. Hệ lụy dẫn đến là môi trường sinh thái chung của toàn huyện, nhất là môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh đã làm cho sản phẩm tỏi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; vấn đề bảo vệ thương hiệu còn quá lỏng lẽo;...

Với thực tế trên, từ năm 2015 đến năm 2017, Quảng Ngãi đã triển khai đề tài: Thực nghiệm các giải pháp kỹ thuật trong canh tác tỏi ở huyện đảo Lý Sơn. Phương pháp canh tác trong đề tài là cày xới lớp đất bazan bên dưới kết hợp bón phân hữu cơ, vô cơ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời bổ sung thêm hàm lượng các chất có nhiều trong cát san hô như canxi, magie, lưu huỳnh… rồi dùng lớp xác thực vật phủ lên trên để giữ mát cho đất.

Tiếp tục phát triển đề tài nói trên, từ tháng 3/2021, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải nam Trung bộ; Viện Nghiên cứu Rau quả và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn triển khai đề tài cấp Quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị”. Ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho biết: Khác với phương thức của đề tài trước, đề tài này sẽ tính đến việc giữ lại 1 phần hoặc toàn bộ lớp cát san hô cũ sau đó cày xới sâu để tạo thành lớp đất cát pha có độ tơi xốp, đảm bảo được tính chất đất và dễ thu hoạch hơn. Khi cày xới lên, bộ rễ của cây tỏi sẽ ăn sâu xuống nên sẽ có khả năng chống chịu, lấy nước cũng như chất dinh dưỡng tốt hơn. Vì trước đây nền đất bazan bên dưới người dân thường đầm chặt xuống rồi canh tác trên lớp cát nên rễ cây chỉ phát triển theo chiều ngang. Gặp điều kiện thời tiết bất thuận như gió bão dễ bị ngã đổ, nắng hạn thì không lấy được nước nên sẽ giảm năng suất cũng như tốn chi phí cho nước tưới.

Sau khi thử nghiệm đề tài vào vụ tỏi năm 2021 – 2022 và thu được thành công, đến vụ tỏi năm nay 2022 – 2023, các đơn vị thực hiện đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỏi Lý Sơn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha. Trong vụ sản xuất này, cây tỏi của Lý Sơn bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh dẫn đến mất mùa trầm trọng. Nhiều diện tích của người dân mất từ 80 – 90% năng suất nhưng các ruộng tỏi mô hình vẫn đạt sản lượng cao và ổn định. Ông Nguyễn Hô, thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết:  Làm theo mô hình này tôi thấy rất đạt, tôi cũng làm tỏi nhưng củ không được như mô hình. Với tình hình này thì chắc tôi sẽ cố gắng áp dụng theo để cho cây tỏi nó đạt. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, đánh giá: Thử nghiệm của đề tài cho thấy năng suất, sản lượng vượt xa so với canh tác truyền thống của huyện đảo. Những diện tích của đề tài cho cây chắc khỏe, to. Việc áp dụng các nghiên cứu khoa học kỹ thuật của nhân dân Lý Sơn hôm nay bắt đầu có những thay đổi. Sau hội thảo này huyện sẽ tiếp tục có những buổi họp, tuyên truyền cho nhân dân trên đảo áp dụng những tiến bộ của mô hình.

Mặc dù chi phí sản xuất trong ruộng mô hình nhỉnh hơn do sử dụng nhiều phân hữu cơ các loại để bón lót nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn gấp nhiều lần. Nếu như lãi ròng của ruộng đại trà trong vụ này chỉ đạt gần 70 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình đạt đến trên 307 triệu đồng/ha do năng suất và giá bán tăng. Đây là đề tài có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học. Không chỉ giúp bà con Lý Sơn thay đổi tập quán canh tác trong vấn đề làm đất và kiểm soát dư lượng thuốc BVTV mà còn hình thành 1 quy trình mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả từ cây tỏi trước thực tế thường xuyên xảy ra mất mùa trong những năm gần đây. Ông Phan Sơn, Chủ nhiệm đề tài sản xuất tỏi VietGAP tại Lý Sơn, cho biết: Đây là đề tài nghiên cứu khoa học mang tính tổng hợp, từ sản xuất đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm, chế biến tỏi Lý Sơn thành nhiều sản phẩm đa dạng khác nhằm nâng cao giá trị. Đây là đề tài có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học. Thứ nhất, giúp bà con Lý Sơn thay đổi tập quán canh tác, nhất là vấn đề làm đất và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thứ hai, giúp bà con hình thành quy trình canh tác mới nhằm nâng cao năng suất,...

Mô hình sản xuất tỏi theo hướng VietGAP tại Lý Sơn đã thể hiện được việc liên kết sản xuất giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Ngoài ra, trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, sau khi bà con thu hoạch thì doanh nghiệp cũng sẽ dựa trên nhu cầu thực tế, thống kê năng suất và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Hiện nay, đơn vị triển khai mô hình cũng đang tiến hành xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị của nhà máy chế biến tỏi ở ngay trên huyện đảo. Đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cải tiến và hoàn thành quy trình bảo quản để giảm tỷ lệ hư hỏng, thất thoát với thời gian từ 6 – 9 tháng tùy theo từng điều kiện nhiệt độ. Cùng với đó là công đoạn hoàn thiện công nghệ chế biến tỏi đen, nước tỏi đen ngâm mật ong, bột tỏi làm gia vị nhằm tạo ra được những sản phẩm chất lượng. Trong thời gian tới, khi có nhà máy chế biến sẽ đưa những công nghệ này áp dụng trong điều kiện thực tiễn để tổ chức sản xuất tỏi lý sơn một cách bền vừng từ khâu sản xuất cho đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tỏi. 

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở