Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX của Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn

02/11/2023 09:21    85

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đề ra nhiệm vụ phát triển nông nghiệp bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 4 - 5%; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, bền vững. Bám sát Nghị quyết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa, tham mưu ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, giải pháp linh hoạt, đồng bộ để tổ chức, thực hiện có hiệu quả. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định vấn đề tiên quyết là phải giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa tư tưởng và hành động trong toàn ngành; chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu đề xuất kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn đại dịch COVID - 19. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2023 ước đạt 18.793,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 3,2%; cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra.

Về sản xuất nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đến nay, gần 200 ha lúa, rau, cây ăn quả các loại được chứng nhận VietGAP; triển khai thực hiện 185 cánh đồng lớn (với tổng diện tích 3.569,4 ha); chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng hằng năm khác (với tổng diện tích là 1.544,37 ha); xây dựng 03 cánh đồng sản xuất rau an toàn (với diện tích 16,5 ha); cấp 08 giấy xác nhận mã số vùng trồng (gồm 07 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa, 01 mã số vùng trồng xuất khẩu).

Đối với nhiệm vụ phát triển chăn nuôi được tập trung triển khai, nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại tập trung, hiệu quả cao gắn với phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đạt kết quả, dần đi vào chiều sâu; các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 81 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ đàn bò lai đạt 74,17% so với tổng đàn bò.

Chủ trương cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tập trung chỉ đạo; mô hình hợp tác sản xuất trên biển được phát huy và nhân rộng; năng lực khai thác được nâng lên, toàn tỉnh có 4.292 chiếc tàu cá được cập nhật số liệu tàu cá của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) với tổng công suất 1.768.803 CV. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng được nâng lên; sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 260.000 tấn, vượt mục tiêu đề ra. Nuôi trồng thủy được đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, đa dạng các đối tượng nuôi, các mô hình nuôi ghép đã phần nào hạn chế được dịch bệnh, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao sản lượng thu hoạch.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng không ngừng được mở rộng, chú trọng phát triển rừng phòng hộ, rừng sản xuất gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn. Diện tích trồng rừng giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt khoảng 74.880 ha, bình quân đạt 24.960 ha/năm (chủ yếu là rừng trồng nguyên liệu), độ che phủ rừng đạt 52% (bao gồm cây trồng phân tán), đạt so với Nghị quyết đề ra. Sản lượng gỗ khai thác bình quân khoảng 2.457.915m3/năm, khai thác tập trung ở các huyện như Ba Tơ, Trà Bồng, Nghĩa Hành,…

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế đã được triển khai thực hiện. Điển hình như: Trong chăn nuôi có mô hình liên kết trồng ngô sinh khối để cung cấp cho Trang trại Bò sữa Vianmilk Quảng Ngãi; mô hình Công ty cổ phần chăn nuôi Tiến Đạt ở Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cung cấp con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ và bao tiêu đầu ra, hộ chăn nuôi góp công chăm sóc, cơ sở vật chất như chuồng trại, đất đai. Trong thủy sản, nhiều mô hình, giải pháp nuôi trồng thuỷ sản hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi như: Mô hình nuôi ghép tôm + cá, nuôi ghép tôm + cua + cá, nuôi ghép cá măng + cá dìa + ốc hương..., mô hình khuyến nông hỗ trợ lồng HDPE nuôi thuỷ sản trên biển tại Lý Sơn,...đã đem lại năng suất, sản lượng và hiệu quả cao... Trong lâm nghiệp, có Công ty cổ phần lâm sản Xuân Lộc thực hiện liên kết phát triển rừng trồng với các chủ rừng nhỏ (hộ gia đình) trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Trà Bồng, có phương án quản lý rừng bền vững và đã được cấp chứng chỉ rừng (FSC) là 3.681 ha/718 chủ rừng (rừng trồng 3.070 ha; rừng tự nhiên 611 ha); đang mở rộng quy mô khoảng 6.000 ha trên địa bàn các xã còn lại của huyện Trà Bồng.

Kinh tế phát triển, cũng giúp cho diện mạo các làng quê ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện và nâng lên.

Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra về nông nghiệp, từ nay đến hết nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có thế mạnh. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn; nghiên cứu thực hiện kinh doanh chứng chỉ carbon rừng, phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng. Nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo đảm thực hiện đúng pháp luật quốc tế và trong nước về hoạt động trên biển, tổ chức nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến thủy sản, nâng cao giá trị thủy sản.

Nhật Thẩm

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở