Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và PTNT
Năm 2024 dù đối mặt với nhiều thách thức về thiên tai và dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu ngành Nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu, với mức tăng trưởng ước đạt 3,3%. Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm.
Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023), gồm: gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23%); cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1%); hạt điều 4,38 tỷ USD (tăng 20,2%); tôm 3,86 tỷ USD (tăng 14%); cao su 3,46 tỷ USD (tăng 19,6%).
Năm 2024, cả nước thành lập mới trên 1.500 doanh nghiệp, nâng tổng số lên khoảng 17.300 doanh nghiệp, tăng 7,5% so với năm 2023. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông,... Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 2.225 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 532 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 302 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó 15 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Hiện cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023) trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất với một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,1 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 63 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới,…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, cùng với những định hướng phát triển chung của cả nước, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 19.596,7 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2023; sản lượng lương thực đạt 512.290 tấn, tăng 2%, toàn tỉnh hiện có có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 213 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. |
Văn Hùng