Trang thông tin điện tử

Sở Nông Nghiệp và PTNT

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Bình Sơn phát triển quy mô chăn nuôi gà

                                                 

 

Những năm qua, ngành chăn nuôi Quảng Ngãi nói chung, huyện Bình Sơn nói riêng gặp không ít khó khăn bởi dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán sản phẩm không ổn định,...Để thích ứng, nhiều nông hộ trong huyện đã liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, vừa đảm bảo đầu ra ổn định, vừa phát triển chăn nuôi gà bền vững.

Trên địa bàn huyện, bước đầu phát triển chăn nuôi nói chung, nuôi gà nói riêng theo vùng đạt kết quả khả quan, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tiến triển tích cực. Hoạt động chăn nuôi gà trên địa bàn huyện phát triển ổn định, người chăn nuôi mạnh dạn tăng đàn với số lượng lớn. Nhiều trang trại chăn nuôi gà tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Thu nhập cao từ nuôi gà gia công

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bình Sơn đã đầu tư chăn nuôi gà liên kết với các doanh nghiệp như: Thái Việt, Việt Oanh, JAPA theo hình thức doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó ổn định được đầu ra.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Sơn, toàn huyện hiện có trên 150 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm liên kết (theo hình thức gia công); tổng doanh thu hằng năm trên 50 tỷ đồng. Trong đó, có 85 trang trại chăn nuôi gà, doanh thu hằng năm trên 15 tỷ đồng, chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã khu tây của huyện.

Bình An là xã có nhiều trang trại chăn nuôi tập trung nhất huyện Bình Sơn, với tổng số 51 trại chăn nuôi, gồm: 14 trại chăn nuôi heo với quy mô 21.460 con (bình quân 1.500 con heo/trại), 37 trại chăn nuôi gà với quy mô 350.000 con (bình quân 9.000 con gà/trại) và 1 trang trại chăn nuôi bò với quy mô 97 con. Các trại chăn nuôi đều liên kết theo hình thức “Chăn nuôi gia công”. Chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để người dân phát triển chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.

Trung bình mỗi gia đình nuôi gà gia công cho doanh nghiệp theo hợp đồng liên kết chăn nuôi mỗi năm từ 2 - 2,5 lứa, mỗi lứa khoảng 9.000 con gà, tỉ lệ hao hụt dưới 5%, nhận khoản công nuôi là 12.000 đồng/con. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng từ chăn nuôi gà gia công.

Nhiều hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại liên kết với các doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi gà thương phẩm. Chuồng trại nuôi gà theo hình thức liên kết được xây dựng bài bản, quy trình kỹ thuật khắt khe, ngoài hệ thống điện chiếu sáng, máng ăn, nước uống tự động còn có cả quạt công nghiệp và hệ thống ống nước trên mái hiên để làm mát cho gà vào mùa nắng nóng và bạt phủ ấm vào mùa đông, nền được rải trấu nên rất sạch sẽ và hạn chế bốc mùi.

Nuôi theo hình thức này, gia đình đầu tư cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc; doanh nghiệp đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin và cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống các loại dịch bệnh… Sau khi gà xuất bán, doanh nghiệp sẽ thanh toán tiền nuôi gia công cho gia đình.

Hình thành vùng nuôi và liên kết để phát triển chăn nuôi gà bền vững

Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025. UBND huyện Bình Sơn đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 19/01/2023 thực hiện Cơ cấu lại ngành Nông nghiêp huyện Bình Sơn đến năm 2025. Trong đó, đối với ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và chăn nuôi công nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Với phương thức nuôi gà gia công cho doanh nghiệp hiện nay đã mang lại nhiều lợi ích, bởi doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí trong quá trình nuôi, ngoài ra còn hỗ trợ kỹ thuật nên trong suốt quá trình nuôi, gà hầu như ít bị dịch bệnh, rủi ro rất thấp. Vì thế, việc đầu tư nuôi gà gia công cho doanh nghiệp chỉ khó khăn giai đoạn đầu vì cần nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng chuồng trại, còn giai đoạn chăm sóc thì có doanh nghiệp đồng hành và hỗ trợ. Khâu tiêu thụ sản phẩm thì đã được doanh nghiệp thu mua toàn bộ.

Chăn nuôi gà gia công liên kết với doanh nghiệp giúp người chăn nuôi giảm được rủi ro, thiệt hại khi thị trường biến động về giá hoặc khi vật nuôi bị dịch bệnh. Tuy nhiên, để mối quan hệ này được duy trì bền chặt, đôi bên cùng có lợi thì người nông dân và doanh nghiệp phải có hợp đồng chặt chẽ.

Có thể khẳng định, hình thành vùng nuôi và liên kết là xu thế phát triển chăn nuôi bền vững.

Phạm Quang Thái - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT


Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Thống kê truy cập

Đang online: 3
Hôm nay: 4.952
Hôm qua: 6.516
Năm 2025: 75.712
Tất cả: 76.171