Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi năm 2023: Vững vàng đà tăng trưởng

08/01/2024 08:07    124

Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,8%, đóng góp 17,1% tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Với những thành tựu đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế.

Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Toàn ngành đã chuyển đổi được 459,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng hàng năm khác, xây dựng 105 cánh đồng lớn với diện tích với tổng diện tích 1.943,5 ha, thực hiện được 32 cánh đồng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 338,1 ha, doanh thu bình quân đạt từ 100 - 283 triệu đồng/ha/năm, cấp 09 giấy xác nhận mã số vùng trồng, gồm 08 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa, 01 mã số vùng trồng xuất khẩu.

Hoạt động chăn nuôi cũng đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng, từ nông hộ quy mô nhỏ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi hộ theo hình thức công nghiệp quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, chú trọng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng để liên kết doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi và tổ chức sản xuất nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đến cuối năm 2023, đàn trâu có 66.882 con, đàn bò có 274.168 con, tỷ lệ bò lai đạt 78,4%, đàn heo có 390.990 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 93.255 tấn.

Lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển, sản lượng khai thác thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, nhờ ngư dân mạnh dạn nâng cấp cải hoán tàu cá, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và áp khoa học kỹ thuật trong đánh bắt đã đem lại hiệu quả, nên sản lượng đánh bắt liên tục tăng. Khai thác thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, phát triển đội tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký, cập nhật đầy đủ thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase đến nay 4.287 chiếc với tổng công suất 1.765.282 CV. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 ước đạt 273.198 tấn, tăng 1,8% so với năm 2022, đạt 103,2% so với kế hoạch năm 2023.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong khâu giống và chế biến. Đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng. Diện tích rừng hiện có khoảng 333.050 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 52%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 2.257.074 m3.

Có thể thấy, sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả đang khẳng định tính thiết thực, đúng đắn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi thành công đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện; đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng; đến cuối năm 2023, tỉnh đã phân hạng và công nhận 166 sản phẩm OCOP, trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao và 157 sản phẩm đạt 3 sao,…

 Song hành với chuyển dịch cơ cấu, ngành Nông nghiệp cũng tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi. Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

  Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và tăng sức cạnh tranh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi sẽ định hướng triển khai thực hiện các nội dung:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh tạo bước chuyển toàn diện về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công tác giống, công nghệ sinh học; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ (xã hội hóa công tác nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ), tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Ba là, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sống ở các vùng nông thôn.

Bốn là, chú trọng vận động, hỗ trợ người dân tham gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn tới từng hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của người dân. Tiếp tục thực hiện huy động, khuyến khích người dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới: Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn qua đó người dân tự nguyện hiến đất, tiền, đóng góp ngày công; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hàng năm khen thưởng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu trong đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tăng cường bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Duy trì các hệ sinh thái rừng phòng hộ, cảnh quan, vùng sinh quyển (các hồ chứa nước, sông suối), quản lý tốt các hoạt động phát triển kinh tế trong khu vực tài nguyên. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, khai thác, xâm phạm trái phép rừng phòng hộ, cấm hoạt động săn bắt, tận diệt các nguồn đa dạng sinh học.

BBT

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở