Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025

21/12/2023 10:17    210

Chiều ngày 20/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đến từ các Viện, trường Đại học trong khu vực;...

Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Kế hoạch này, trong hơn 2 năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo. Nhờ đó, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đã có những bước phát triển rõ rệt, vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 3,32%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 3,19%/năm, lâm nghiệp tăng 4,5%/năm, thủy sản tăng 3,15%/năm.

Ngành nông nghiệp và các địa phương đã chú trọng sản xuất lúa gạo, rau màu, các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ giữa người nông dân với Trung tâm giống tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống trong và ngoài tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã thu được những kết quả bước đầu, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Song song với công tác dồn điền đổi thửa, để nâng cao giá trị ngành trồng trọt, trong những năm qua, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; cũng như chú trọng xây dựng các vùng trồng tập trung hướng tới việc cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho xuất khẩu nông sản. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 287 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 5.466 ha; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, màu, với diện tích chuyển đổi hơn 2.200 ha. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác các loại cây trồng qua các năm đều tăng. Năm 2023, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác nông nghiệp ước đạt 104 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng 48 - 50%.

Để nâng cao giá trị khai thác thủy sản, trong 2 năm qua, ngành Nông nghiệp đã cùng với chính quyền các địa phương tích cực hướng dẫn và vận động ngư dân phát triển các nghề khai thác mới như lưới chụp, lưới rê bùng nhùng, nghề câu cá ngừ đại dương, lồng bẫy,... Trong nuôi trồng thủy sản đã áp dụng thành công nhiều mô hình nuôi tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đa dạng đối tượng nuôi.

Cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp trong hơn 2 năm qua luôn đặt công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng lên hàng đầu. Đến nay, đã giữ ổn định 114.171 ha rừng phòng hộ và 143.383 ha rừng sản xuất, độ che phủ rừng đến cuối năm 2022 đạt 52%. Sản lượng gỗ khai thác cuối năm 2023 ước đạt hơn 2,3 triệu m3, bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 10,96%/năm.

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi trong hơn 2 năm qua, cũng đạt được nhiều kết quả khả quan như: Cấp nước chủ động cho hơn 78.000 ha, chiếm tỷ lệ 73,2% diện tích gieo trồng cả năm; hạ tầng thủy lợi từng bước được đầu tư kiên cố, tiết kiệm nước phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, tăng cấp nước thô cho sinh hoạt, công nghiệp đạt trên 10 triệu m3/năm. Giải quyết việc tiêu thoát nước ở vùng trũng thấp phục vụ dân sinh, nông nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, ...

Chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh có 166 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao. Tỉnh cũng đã xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hội nghị đã nêu ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua, như: cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đời sống của người nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn còn xảy ra.

Việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đạt hiệu quả chưa cao. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, chưa tạo được động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nên số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ít, quy mô nhỏ, chưa trở thành hạt nhân trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo. Còn nhiều HTX chỉ mới chuyển đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý HTX, chưa có sự đổi mới về hình thức hoạt động, tổ chức sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trên 3,8%,  tiếp tục được xác định là một trong bốn trụ cột quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế tỉnh nhà.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra, nhiều chỉ tiêu của kế hoạch đạt, vượt so với mục tiêu đề ra. Tạo được niềm tin, sự ủng hộ, đồng hành của người nông dân.

 Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; thực hiện linh hoạt các cơ chế, chính sách; chia sẻ, lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn sản xuất từ người dân để tổ chức sản xuất cho hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với nhu cầu của thị trường; kiên định, cố gắng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp; quy hoạch xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn với sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp; cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, nhằm tạo ra các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hoá cao; phát triển và nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, miền.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở