Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với tỉnh Quảng Ngãi

12/10/2023 15:46    318

Chiều ngày 11/10/2023, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi về những vấn đề trọng tâm trong phát triển Nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo trường Cao đẳng Cơ giới Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay tỉnh Quảng Ngãi có 02 huyện (Nghĩa Hành, Tư Nghĩa) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Quảng Ngãi đang hoàn thiện hồ sơ, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022 dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Có 94/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025  sẽ có 120/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về sản phẩm OCOP, tính đến nay, toàn tỉnh có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao và 148 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm có doanh thu tăng khoảng 40% so với thời điểm trước khi đạt chứng nhận OCOP.

Về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh có 53 chuỗi an toàn thực phẩm gồm nông, lâm, thủy sản. Việc thanh tra xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên nghiêm túc.

Về kinh tế tập thể và ngành nghề nông thôn, toàn tỉnh có 239 Hợp tác xã nông nghiệp, thu hút trên 120 nghìn thành viên và 2.100 lao động, doanh thu bình quân 820 triệu đồng/HTX. Toàn tỉnh có 5.571 cơ sở ngành nghề nông thôn đạt hiệu quả với 7 nhóm ngành nghề, trong đó có 107 doanh nghiệp, 33 Hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và hơn 5.400 hộ gia đình, doanh thu hơn 964 tỷ đồng/ năm. Có 05 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống với 496 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động, thu nhập bình quân 4,4 triệu đồng/ tháng.

Về diêm nghiệp, Quảng Ngãi có đồng muối Sa Huỳnh có diện tích sản xuất khoảng 100 ha với sản lượng 7 – 8.000 tấn/năm. Hiện có 3 công ty tham gia chuỗi liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị và thu nhập cho diêm dân.

Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn, đồng thời kiến nghị Trung ương các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương; trong đó có nguồn lực và tiêu chí xây dựng Nông thôn  mới, khó khăn trong công tác thú y cơ sở, tình trạng khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho nông sản, phát triển chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản.....Những khó khăn, vướng mắc của Sở Nông nghiệp và PTNT đã được các thành viên trong Đoàn công tác là lãnh đạo các Cục, vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin, giải đáp, làm rõ kịp thời ngay tại cuộc họp.

Thay mặt Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời giải thích làm rõ một số cơ chế, chính sách trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực của ngành; yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, sáng ngày 12/10/2023, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đi thực tế kiểm tra thực trạng sản xuất muối tại Sa Huỳnh và hoạt động của điểm du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh), phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của địa phương và người dân, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã chỉ đạo và gợi mở nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực, hiệu quả cho tình hình sản xuất muối tại Sa Huỳnh cũng như sự phát triển của điểm du lịch cộng đồng làng cổ Gò Cỏ.

Đối với việc phát triển sản xuất muối Sa Huỳnh, Thứ trưởng yêu cầu địa phương cần phải quy hoạch và bảo vệ quy hoạch, giữ ổn định diện tích sản xuất muối hiện nay của đồng muối truyền thống Sa Huỳnh; kế đến là củng cố và phát triển mạnh Hợp tác xã sản xuất Sa Huỳnh để giúp diêm dân trong các khâu sản xuất và tiêu thụ; xây dựng hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chế biến và bảo quản;... Song song với đó, Thứ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị của hạt muối Sa Huỳnh, có như vậy mới góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho diêm dân, giúp họ gắn bó với nghề muối truyền thống lâu đời của địa phương.

Tại điểm du lịch cộng đồng làng cổ Gò Cỏ, Thứ trưởng ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ và cách làm du lịch nông thôn tương đối bài bản của cộng đồng làng Gò Cỏ. Tuy nhiên, để Gò Cỏ trở thành điểm du lịch nông thôn hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương đến tham quan, lưu trú, thì chủ thể cần phải tiếp tục học hỏi các điểm du lịch trong và ngoài nước để cải thiện và phát triển thêm nhiều dịch vụ của một điểm du lịch đậm chất nông thôn, nhằm thu hút và giữ chân du khách trong và ngoài nước đến tham quan, phấn đấu đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao.                  

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở