Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Chỉ tiêu và giải pháp đặt ra cho Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi

30/08/2021 16:47    255

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/10/2011; 05 năm thực hiện Kết luận số 31-KL/TU ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy và các chính sách của Trung ương về dân tộc, miền núi, kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh đã có bước phát triển quan trọng. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 (tính theo giá so sánh 2010) gấp 1,48 lần so với năm 2016, gấp 6,4 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,22%. Kết quả giảm nghèo đạt khá (tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 22,01%, cận nghèo giảm còn 11,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi đến cuối năm 2020 đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có bước được cải thiện.

Tuy nhiên, kinh tế các huyện miền núi phát triển chưa bền vững. Năng suất, chất lượng, giá trị nông sản còn thấp; kinh tế rừng chưa được phát huy đúng mức, phần lớn diện tích rừng trồng vẫn là cây keo. Công tác bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế, tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở một số nơi vẫn còn xảy ra. Giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trên tinh thần nội dung của Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi (gọi tắt là Nghị quyết số 02), đã đề ra những chỉ tiêu chủ yếu cho cả hệ thống chính trị của tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng trong công cuộc chung tay giảm nghèo thật sự bền vững đối với các huyện miền núi của tỉnh.

Với mục tiêu nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của miền núi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả toàn diện các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 01 huyện miền núi thoát nghèo; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025: Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 33 - 34%; có thêm 23 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (so với năm 2020); độ che phủ rừng đạt 63%; số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%. Và chỉ tiêu định hướng đến năm 2030: Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 30%; có thêm 20 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (so với năm 2025); độ che phủ rừng đạt 67%; 95% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên, Nghị quyết số 02 cũng đã đề ra các giải pháp trong tập trung phát triển nông nghiệp như:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, nâng cao năng lực sản xuất của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các dịch vụ sản xuất. Khuyến khích phát triển kinh tế vườn, rừng; kinh tế trang trại, gia trại. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 4 - 5%/năm. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đến năm 2025 giảm còn 59%; đến năm 2030 giảm còn 50%.

- Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ theo hướng xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, từng bước thay thế cây keo. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho dân sản xuất. Xây dựng chương trình cụ thể trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị, năng suất sản phẩm nông sản. Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống bão, lũ, sạt lở núi; phòng, chống cháy rừng; thực hiện đánh giá mức độ an toàn của hệ thống đập thủy lợi, hồ chứa nước. Huy động nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu để thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.

Trong thời gian đến, trong khi chờ Trung ương ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh với tinh thần “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với nhiều giải pháp hy vọng công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh đạt những kết quả tích cực hơn./.

Nguyễn Danh

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở