Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Vai trò con giống trong phát triển chăn nuôi ở Quảng Ngãi

27/05/2021 08:46    1248

Trước những biến động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường,.. ngành chăn nuôi của tỉnh ta vẫn có bước phát triển ổn định. Hiện nay, đàn trâu có 70.000 con, đàn bò 283.850 con, tỷ lệ bò lai chiếm 73%; đàn heo 396.000 con, đàn gia cầm gần 6 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 78.847 tấn. Chăn nuôi đang phát triển đúng định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 – 2020; trở thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp. Có nhiều yếu tố giúp cho ngành chăn nuôi giữ vững và không ngừng tăng trưởng, trong đó có vai trò quan trọng của công tác giống.

Chăn nuôi bò là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với nông dân Quảng Ngãi. Ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã sớm nhận thấy vai trò của công tác giống nên đã chú trọng công tác lai tạo. Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển đàn bò lai tỉnh Quảng Ngãi” ra đời đã giúp chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện và nâng cao, trọng lượng bình quân bò trưởng thành năm 1990 là 160kg/con (bò cái) và 200kg/con (bò đực), đến năm 2010 tăng lên 200kg/con (bò cái) và 280kg/con (bò đực), tỷ lệ bò lai chiếm gần 50%.

Tiếp đến, Dự án Cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2018 đã lai tạo ra 50.000 con bò lai Zêbu, 12.500 con bò thịt năng suất cao; góp phần đưa tỷ lệ bò lai của tỉnh thời điểm đó tăng lên 70% so với tổng đàn.  

Khi nghề chăn nuôi bò phát triển mạnh, các dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được triển khai như: Dự án “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bò thành nghề sản xuất chính của nông hộ trên địa bàn huyện Đức Phổ” (nay là thị xã Đức Phổ), dự án: “Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái lai Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”,... Các dự án đã nhập nội các giống bò chuyên thịt, như Charolais, Red Angus, BBB và Brahman, giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò và giá trị kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bê lai siêu thịt đẻ ra 5 – 6 tháng đã bán 20 triệu đồng/con, nếu để nuôi lên thịt trong khoảng thời gian từ 16 - 18 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng từ 350 – 400kg, cá biệt có con đạt trên 460 kg, bán trên 50 triệu đồng/con.

Bên cạnh công tác lai tạo đàn bò, công tác lai tạo đàn trâu cũng được ngành Nông nghiệp chú trọng. Tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long đã có 02 dự án cải tạo đàn trâu địa phương được triển khai, hàng trăm trâu nghé có thể chất khỏe mạnh, ngoại hình đẹp được sinh ra. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah” đã thụ tinh nhân tạo cho trâu cái địa phương bằng tinh giống trâu Murrah sinh sản được 132 con trâu nghé, trọng lượng sơ sinh trung bình nghé đực trên 44,4 kg/con và nghé cái là 40,83kg, cao hơn trâu nghé địa phương 22kg (trọng lượng tăng gấp đôi). Cá biệt có những con trâu nghé lai sơ sinh lên đến gần 54kg. Sau 12 tháng sinh trưởng, nghé cái lai đạt trọng lượng bình quân 247kg, nghé đực đạt 313kg. Người dân trong vùng dự án (huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa) đang rất quan tâm và nhân rộng giống trâu lai này.

Chú trọng công tác giống cũng đã giúp cho chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định trong những năm qua. Tỉnh đã cho sử dụng heo đực các giống Duroc, Pietrain, PiDu, ... có tỷ lệ nạc 58-60%, tăng trọng trung bình/con/ngày đạt trên 850g, lai tạo con lai 3 máu ngoại, tỷ lệ nạc trong thân thịt cao; kêu gọi đầu tư, khuyến khích xây dựng các trại giống ông, bà, bố, mẹ nuôi tập trung để sản xuất heo giống phục vụ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.  Khu vực miền núi, vẫn giữ đàn nái giống heo Móng Cái, đây là giống heo tuy có tỷ lệ nạc thấp, giá trị thương phẩm không cao nhưng có tính thích nghi rộng, phù hợp với trình độ thâm canh của người dân. Đồng thời, chọn một số vùng có điều kiện phù hợp, xây dựng các mô hình chăn nuôi heo đặc sản nhằm lưu giữ, bảo tồn và khai thác hợp lý các giống vật nuôi địa phương để làm nguyên liệu di truyền ban đầu cho công tác lai tạo nhằm nhân giống lai đưa vào sản xuất để phát huy lợi thế, ưu thế lai từ giống thuần bản địa và giống thuần nhập ngoại.

Đối với gia cầm: Thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm tập trung, chất lượng cao để chủ động nguồn giống có chất lượng tại chỗ cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi của nông dân; du nhập, khảo nghiệm và xây dựng một số mô hình nuôi các giống gia cầm đặc sản...Cụ thể đã tuyển chọn bộ giống gà lông màu thích nghi tốt với địa phương như Gà Lương phượng, Kabir, Sasso...; gà hướng trứng nuôi công nghiệp, tập trung các giống: ISA Brow, Hyline...; nuôi gà thả vườn, bán công nghiệp, có các giống: Ai cập, gà kiến thùng,...; gà nội: Chọn lọc, nâng cao chất lượng giống gà địa phương có giá trị như gà ri, gà H’re; các giống gà lai như: gà ri lai với gà nòi… Vịt: Ưu tiên chọn tạo giống vịt thịt theo hướng năng suất cao, khối lượng cơ thể sau nuôi 52-56 ngày đạt 3,6 kg/con, sản lượng trứng đạt 250-260 quả/năm. Với giống vịt chuyên trứng, chọn giống có năng suất đạt 275-280 quả/năm, tiêu tốn thức ăn 2,15kg/10 quả; vịt chuyên thịt: Tập trung phát triển giống vịt SM, Grimaud;...

Trong thời gian đến, con giống tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho phát triển ngành chăn nuôi. “Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi” cũng là 1 trong 10 giải pháp để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2020.

Thảo Nguyên

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở