Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp phòng trừ

15/03/2023 15:11    117

Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh gây thiệt hại nặng trên cây lúa. Tại Quảng Ngãi, những năm gần đây bệnh đạo ôn gây hại lúa khoảng từ 640-1.580ha/năm, làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và chất lượng lúa. Vụ Đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh gieo sạ 37.914,6 ha lúa, trà muộn và chính vụ đang giai đoạn từ tượng khối sơ khởi - trổ bông, là giai đoạn mẫn cảm với bệnh đạo ôn. Hiện toàn tỉnh đã có 743 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn. Dự báo trong thời gian tới, nếu tình hình thời tiết ngày nắng ấm, đêm và sáng sớm trời lạnh kết hợp với sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nặng.

Để chủ động phòng chống bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết và phòng trừ bệnh đạo ôn như sau:

1. Cách nhận biết triệu chứng bệnh:

* Bệnh đạo ôn lá:

Vết bệnh ban đầu trên lá có chấm nhỏ như đầu mũi kim màu vàng nhạt,  vết mờ tựa giọt dầu, sau chuyển màu xám nhạt, về sau vết bệnh phát triển ở dạng hình thoi màu nâu nhạt, có khi màu vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám, các vết bệnh liên kết với nhau gây cháy lá.

* Bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông:

Vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở cổ lá, vết bệnh có màu nâu xám hơi teo và  thắt lại làm lá đòng  gục xuống, lá còn xanh, sau tiếp tục phát triển lên cổ bông, vết bệnh teo thắt lại gây tắc nghẽn mạch dẫn, làm cho bông lúa bị lép, bệnh nặng làm giảm năng suất và phẩm chất gạo.

 2. Tác nhân gây hại và điều kiện phát sinh, phát triển:

* Tác nhân: bệnh do nấm  Magnaporthe Oryzae gây ra.

                              (tên cũ: Pyricularia Oryzae)

* Điều kiện phát sinh phát triển:

- Bệnh phát sinh, phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ từ 22-300C, ẩm độ không khí cao, chệnh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn.

- Những ruộng sạ dày, bón thừa đạm … thường bị bệnh gây hại nặng.

3. Biện pháp phòng trừ:

Trên trà lúa muộn và chính vụ hiện nay, bà con nông dân phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa để phát hiện bệnh kịp thời và thực hiện biện pháp phòng trừ như sau:

- Đối với bệnh đạo ôn, cổ lá: Trên các trà lúa từ tượng khối sơ khởi-đòng, nếu tỉ lệ lá bệnh từ 5% trở lên thì sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Propiconazole + Tricyclazole, Iprobenfos, Tebuconazole + Tricyclazole, Acrylic acid 4%+Carvacrol 1%, Azoxystrobin, Bacillus subtilis (có tên thương phẩm: Fuan 40EC, Fuji-one 40EC, Trizole 400SC, Kasai-S 92SC, Hextric 250SC, Lazole TSC 750WP, Fu-army 40EC, Fuzin 400EC, Tridozole 75WP, Credit 450EC, Filia 525SC, Newlia Super 525 SE, BeamTMPlus 360SC, Map Unique 750WP, Som 5SL, Star.dx 250SC, Trobin 250SC, Ace Bacis 111WP, Balus 111WP…) để phun trừ.

Sau khi phun thuốc khoảng 5-7 ngày phải kiểm tra lại ruộng lúa nếu vết bệnh chưa dừng thì phải phun thêm lần thứ 2.

- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Những ruộng lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, cổ lá, những ruộng lúa bón thừa đạm, khi lúa trổ cần sử dụng một trong các loại thuốc nêu ở bệnh đạo ôn lá, cổ lá để phun phòng. Nên phun làm 2 lần:

+ Lần 1: Sau khi lúa trổ lác đác.

+ Lần 2: Sau khi phun lần 1 từ 5 – 7 ngày.

            Chú ý:

            Khi phát hiện lúa bị bệnh đạo ôn, bà con nên ngừng bón phân, giữ nước trong ruộng từ 3-5cm, không kết hợp phun các loại phân bón lá chung với thuốc trừ bệnh.

            Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc trước khi phun.

            Trên đây là biện pháp nhận diện và phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa để bà con nông dân tham khảo và áp dụng để bảo vệ ruộng lúa của mình.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ngãi

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở