Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

UBND tỉnh họp nghe báo cáo tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, công tác phòng, chống hạn và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

28/02/2023 10:59    120

Chiều 27/02/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong tỉnh báo cáo tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023; công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và kế hoạch phòng, chống hạn. Tham dự họp có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; các Sở, ngành liên quan của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Vụ sản xuất Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo sạ gần 37.900 ha lúa, đạt 100,3% so với kế hoạch; xuống giống 3.600 ha ngô, trên 7.400ha rau, đậu các loại;... Thời tiết từ đầu vụ Đông Xuân đến nay tương đối thuận lợi nên cây lúa, ngô, hoa màu các loại sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay chuột gây hại phổ biến trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, với tổng diện tích bị hại trên 2.600 ha, tỷ lệ chuột gây hại phổ biến từ 2,5-10%, có nơi từ 10-40%.

Ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực hướng dẫn nông dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ đạo vẫn là các biện pháp thủ công, bẫy cơ học, các loại thuốc trừ chuột có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành để hạn chế chuột gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Hai cây trồng chủ lực của các huyện miền núi là sắn và keo bị nhiễm bệnh cũng rất đáng quan ngại. Cụ thể, niên vụ sắn 2022-2023, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được 6.000/12.900 ha, diện tích nhiễm bệnh virus khảm lá khoảng 670 ha. Riêng trên cây kéo, bệnh chết héo do nấm xảy ra ở giai đoạn keo từ 1-3 năm tuổi, với tổng diện tích nhiễm bệnh gần 400 ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2- 20%, nơi cao 30 – 40%.

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát. Một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc; viêm da nổi cục trâu, bò; dịch tả lợn Châu Phi khởi phát tại một số xã trên địa bàn huyện Bình Sơn, Trà Bồng đã được các cơ quan chức năng và địa phương xử lý không để phát sinh, lây lan.

Từ đầu vụ Đông Xuân 2022 – 2023 đến nay xuất hiện nhiều đợt mưa, các hồ chứa thường xuyên được bổ sung nguồn nước nên lượng nước các hồ chứa hiện còn ở mức cao, đảm bảo cho các vụ sản xuất. Tuy nhiên, nếu tình hình nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng như dự báo (từ tháng 5-7/2023) thì có khả năng vụ Hè Thu xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn vào giữa và cuối vụ, nhất là các vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ. Do đó cần có kế hoạch phòng, chống hạn cho cây trồng ngay từ bây giờ.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức triển khai sản xuất vụ Đông Xuân– vụ sản xuất quan trọng trong năm của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng trọt được đảm bảo theo kế hoạch, chăn nuôi phục hồi, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nên kỳ vọng một mùa vụ thắng lợi là rất khả quan. Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục theo dõi sát thời tiết, tình hình phát triển của cây lúa và các loại rau màu để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, an toàn và hiệu quả, tránh chủ quan để các đối tượng sinh vật phát tán, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng; theo dõi chặt chẽ các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm phát hiện sớm và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch không để lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm trên động vật đợt 1/2023 đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đối với kế hoạch phòng, chống hạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan không được chủ quan, tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng có thể xảy ra trong vụ Hè Thu như dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Vì vậy, cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống hạn ngay từ đầu vụ là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo cho mùa vụ sản xuất hiệu quả, thành công.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở