Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Anh nông dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn

22/06/2020 10:28    419

Anh Huỳnh Anh Ngọc bên cây keo 18 năm tuổi trong khu rừng của gia đình

Sau nhiều năm trồng keo nguyên liệu gỗ dăm, cộng với kinh nghiệm làm xưởng mộc, anh Huỳnh Anh Ngọc (44 tuổi) ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh đã nhận ra giá trị to lớn của việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Từ đó, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng rừng gỗ lớn. Mục đích của anh Ngọc hướng đến là sau 10 năm có thể thu về từ rừng keo gỗ lớn khoảng nửa tỷ đồng mỗi ha.

Gia đình anh Huỳnh Anh Ngọc bắt đầu tham gia trồng rừng từ chương trình phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, rồi duy trì đến thời kỳ trồng rừng nguyên liệu gỗ giấy trong hơn mười năm nay. Nhờ trồng rừng với diện tích lớn nên kinh tế của gia đình anh từng bước khấm khá.

Tuy nhiên, thói quen trồng rừng nguyên liệu gỗ dăm của gia đình anh Ngọc có sự thay đổi đáng kể vào năm 2009. Đó là năm gió bão lớn đã làm đổ ngã nhiều diện tích keo của người dân. Để khắc phục thiệt hại, có hộ thì chặt phá trồng lại, có hộ tận thu rồi tái đầu tư, duy nhất có một hộ gần rừng của anh Ngọc để nguyên cho cây tự phục hồi và phát triển. Không ngờ sau khoảng 3-4 năm sau, diện tích keo này đã phát triển thành những cây gỗ to, xuất bán gỗ khối với giá trị gấp 4 - 5 lần so với keo dăm gỗ.

Cũng trong giai đoạn này, gia đình anh lại hoạt động xưởng mộc, nên biết được giá trị cây gỗ lớn, kể cả cây keo. Từ đó, anh Ngọc cùng với gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, thử nghiệm trên diện tích 03 ha. Số diện tích keo này khi đó đã được trồng 5 năm, tới kỳ khai thác nhưng chỉ tỉa thưa, chọn những cây tốt để lại. Đến nay, sau 3 năm (cây 8 năm tuổi) số cây để lại đã phát triển thành những cây gỗ lớn có đường kính trung bình từ 25 - 30cm, gấp 2 - 3 lần cây lúc 5 năm tuổi, ước tính trọng lượng có thể đạt gần 1 tấn/cây, giá trị kinh tế tăng gấp 3- 4 so với keo dăm gỗ.

Ý tưởng của anh Ngọc như cá gặp nước, năm 2019, Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 được triển khai. Anh Ngọc đã mạnh dạn đăng ký tham gia chuyển hóa toàn bộ gần 26 ha rừng nguyên liệu gỗ dăm sang rừng nguyên liệu gỗ lớn. Hiện nay, những diện tích rừng từ 4-5 năm tuổi, anh Ngọc đã tiến hành tỉa thưa để lại số cây đúng với tiêu chuẩn rừng gỗ lớn (dưới 1.600 cây/ha).

Việc chuyển hóa và tham gia trồng rừng gỗ lớn còn khá mới mẻ và ngại ngùng với nhiều người, nhưng với anh Ngọc thì đây là chủ trương đúng đắn và hướng đi phù hợp với xu thế và thị trường hiện nay. Quan sát rừng keo chuyển hóa, anh Ngọc nhận thấy, cây keo từ năm thứ 5 trở đi phát triển rất nhanh và không phải chăm sóc gì nhiều, chỉ quản lý, bảo vệ, PCCCR; thị trường cũng đang rất cần loại cây gỗ lớn này.

Để chuyển hóa toàn bộ diện tích rừng keo nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, anh Ngọc thừa nhận do điều kiện kinh tế gia đình đã ổn nên mạnh dạn. Tuy nhiên theo anh, lâu dài người trồng rừng trên địa bàn tỉnh nên đi theo hướng trồng rừng gỗ lớn, với giải pháp là chuyển dần; ai sở hữu nhiều đất thì chuyển 5-7 ha, ít hơn thì 5-7 sào đến 01 ha. Mục tiêu là nâng cao giá trị rừng trồng vì tính ra 01ha rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) cao hơn từ 4-5 lần so với rừng keo gỗ dăm, có thể đạt 450 – 500 triệu đồng/ha.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở