Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiệt hại cho người trồng mì

06/05/2022 14:08    164

Niên vụ mì 2021 – 2022, toàn tỉnh xuống giống trên 11.637 ha mì, thì đến nay đã có gần 7.600 ha, chiếm hơn 65% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá. Mì bị nhiễm bệnh chủ yếu ở giai đoạn phát triển thân, lá và tượng củ nên gây thiệt hại nặng cho cả vụ. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương triển khai cùng lúc nhiều giải pháp nhằm giảm thiệt hại cho người trồng mì trên địa bàn tỉnh.

Sau 3 tháng xuống giống niên vụ mì 2021 – 2022, hầu hết người trồng mì trên địa bàn tỉnh đều ngao ngáng khi chứng kiến cảnh cây mì bị xoắn lá, thân còi cọc và khô quắt, là dấu hiệu của bệnh vi rút khảm lá. Hầu hết những vùng mì nguyên liệu lớn ở huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ đều đã bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá. Riêng huyện Sơn Hà, địa phương có diện tích trồng mì cao nhất tỉnh, tỷ lệ nhiễm vi rút khảm lá đã lên đến gần 100%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh khảm lá mì lan nhanh ở các địa phương là do người dân sử dụng các hom giống như KM94 hay KM140 đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

Trước tình hình bệnh khám lá mì lan rộng ở hầu hết các địa phương, đầu niên vụ trồng mì năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành trồng thử nghiệm giống mì kháng bệnh HN3 trên diện tích 10 ha. Sau hơn 3 tháng trồng, giống HN3 sinh trưởng, phát triển tốt, chưa xuất hiện bệnh khảm lá, trong khi vùng liền kề nông dân sử dụng giống mì KM94 thì bệnh đã xuất hiện gây hại nặng, có đám tỷ lệ lên đến 100%. Đây là tín hiệu tích cực, là cơ sở để mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tăng nguồn hom giống kháng bệnh phục vụ nhu cầu của người dân.

Trong khi chờ đợi ngành chuyên môn tuyển chọn giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá, chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng mì sang cây trồng cạn hàng năm. Tính đến nay, các địa phương đã chuyển đổi hơn 1.000 héc ta, trong đó Sơn Tịnh chuyển 500 héc ta, Tư Nghĩa, Mộ Đức chuyển 400 héc ta; các huyện khác như Nghĩa Hành, Sơn Hà, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi chuyển đổi trên dưới 100 héc ta. Việc nhanh chóng chuyển đổi cây trồng trên diện tích mì bị nhiễm bệnh là sự chủ động của các địa phương, đồng thời cũng là chỉ đạo chung của UBND tỉnh trong điều kiện khan hiếm nguồn giống kháng bệnh không chỉ ở tỉnh ta mà còn ở phạm vi cả nước.

Bên cạnh các giải pháp lâu dài như chuyển đổi diện tích trồng mì bị nhiễm bệnh, thử nghiệm các giống mì kháng bệnh, tỉnh cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương trước mắt cần phải đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân nhổ bỏ, tiêu hủy, dừng chăm sóc và tuyệt đối không dùng các giống mì đã bị nhiễm bệnh để trồng cho các vụ kế tiếp nhằm hạn chế thiệt hại cho người trồng mì. Đồng thời, việc chuyển đổi từ mì sang các loại cây trồng khác phải theo hướng đa dạng, gắn với thị trường tiêu thụ, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ, tồn đọng sản phẩm về sau.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở