Quảng Ngãi nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học
20/07/2023 16:10 1092
Trước đây nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố nên một số loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm đã suy giảm về số lượng hoặc biến mất ngoài tự nhiên. Từ nhiều năm qua, các ngành chức năng và cấp chính quyền trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm nỗ lực bảo tồn các loài động vật tự nhiên, góp phần giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn gen quý hiếm của tỉnh.
Ngày 02/02/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 116/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch bảo tồn được chia làm 03 giai đoạn với mục tiêu thành lập mới 03 khu bảo tồn, 04 hành lang đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các hệ sinh thái rừng tự nhiên; giải quyết từng bước sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học cho các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;...
Đẩy mạnh công tác bảo tồn ĐVHD
Về hoạt động tuyên truyền, truyền thông nhằm bảo tồn thiên nhiên: Đã tổ chức họp dân, phát tờ rơi, người dân ký cam kết; nhà hàng, quán ăn không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, chế biến các loài ĐVHD, đặc biệt là những loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm; tuyên truyền sân khấu hóa, giao lưu văn nghệ nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; tổ chức thi tìm hiểu về các loài ĐVHD, pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn phổ biến pháp luật chăn nuôi ĐVHD cho chủ trại nuôi ĐVHD cũng như các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh truyền từ ĐVHD sang người và ngược lại với hơn 75 chủ trại nuôi tham dự.…
Về công tác quản lý các trại nuôi ĐVHD: Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện cấp 120 mã số trại nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm cho các chủ trại nuôi với hơn 3.000 cá thể ĐVHD như: Cầy vòi hương, cầy vòi mốc, kỳ đà, rùa các loại…
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài ĐVHD cũng được quan tâm thực hiện theo định kỳ. Năm 2021, đã thực hiện thanh tra toàn diện các cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm trên toàn tỉnh; phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm 2021, lực lượng Kiểm lâm Quảng Ngãi đã kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý đối với 02 đối tượng săn, bắn 05 cá thể Voọc chà vá chân xám (đây là loài động vật nguy cấp quý hiếm, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng. Trên thế giới chỉ còn phát hiện tại 06 tỉnh ở Việt Nam trong đó có tỉnh Quảng Ngãi) nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.
Hoạt động trồng rừng bằng các loài cây bản địa nhằm mở rộng sinh cảnh sống cho các loài ĐVHD cũng được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng. Nhiều chương trình, dự án trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán đã góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ trên toàn tỉnh.
Để tận dụng nguồn lực và hiện đại hóa cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Chi cục Kiểm lâm đã kêu gọi và hợp tác với tổ chức FFI Việt Nam, Green Viet để tổ chức điều tra, khảo sát phát hiện nhiều loài động vật nguy cấp quý hiếm tại địa bàn huyện Ba Tơ. Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện loài Voọc chà vá chân xám là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, trên thế giới.
Những kết quả tích cực
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được Sở nông nghiệp và PTNT và các cấp chính quyền quan tâm. Nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn triển khai Luật ĐDSH được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH; nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động bảo tồn từng bước được chú trọng; nhận thức của cộng đồng về bảo tồn ĐDSH được nâng cao.
Người dân được tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng và được chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái; giữ gìn tài nguyên thiên nhiên gắn với quyền lợi kinh tế nơi bản địa và trong vùng đệm; tố giác các đối tượng vi phạm về săn, bắn, mua bán, tàng trữ ĐVHD đến cơ quan chức năng; chủ động giao nộp ĐVHD cho cơ quan chức năng, trong đó có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên cạnh các nguồn lực trong nước, Quảng Ngãi đã có các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua nghiên cứu, điều tra loài Voọc chà vá chân xám tại huyện Ba Tơ. Thông qua điều tra sơ bộ ban đầu, phát hiện khoảng 10 đàn chà vá chân xám với số lượng lên đến 169 cá thể, xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng loài hiện hữu; tổ chức 01 cuộc hội thảo khoa học về công tác bảo tồn loài Voọc chà và chân xám với nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự, đã đóng góp nhiều tham luận và ý kiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài này tại huyện Ba Tơ. Hiện nay, tổ chức FFI đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất tài trợ vốn 24.000 USD cho việc xúc tiến thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khu tây huyện Ba Tơ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Ngãi.
Với những nỗ lực trên, trong tương lai gần, Quảng Ngãi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều loài sinh vật có giá trị bảo tồn cao, là nơi cất giữ nguồn gen quý hiếm cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam và thế giới nói chung.
Tin liên quan
- Tập huấn chuyên đề du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm
- Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp
- Tọa đàm kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 – 11/7/2023)
- Nhân rộng mô hình cải tạo đàn trâu địa phương từ giống trâu Murrah
- Tập huấn triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023
- Tập trung thi công sửa chữa hồ chứa nước Biều Qua
- Công bố Quyết định bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
- Tiếp nhận Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi
- Khai mạc lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực
- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Củng cố, nâng cao và phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh