Ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 5,3%/năm giai đoạn 1989-2024
26/06/2024 17:08 108
Sau 35 năm tái lập tỉnh (1989 - 2024), mặc dù phải đối diện liên tục với thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định, đời sống nông dân trong tỉnh từng bước được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại và chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường tiêu thụ. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản toàn tỉnh đạt gần 19.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2024 ước đạt trên 19.400 tỷ đồng, gấp 06 lần so với năm 1989, bình quân giai đoạn 1989-2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 5,3%/năm.
Phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả, như mô hình cánh đồng lớn, chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm,… Công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, giá trị sau thu hoạch trên 01 ha đất canh tác tăng dần qua các năm, bước đầu đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư các vùng nguyên liệu như mì, keo, ngô sinh khối…gắn với thu mua, chế biến hình thành các chuỗi giá trị.
Trên lĩnh vực chăn nuôi đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng, từ nông hộ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ bò lai của tỉnh đạt 78,4% trên tổng đàn, việc đẩy mạnh cải tạo giống gia súc đã góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng đàn gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân cũng như góp phần bảo vệ, phát triển diện tích rừng trồng hiệu quả, nhất là ở các huyện miền núi. Kế hoạch đến năm 2024, diện tích đất có rừng ước đạt 333.051 ha, gấp 2,8 lần so với năm 1989; độ che phủ rừng tăng từ 19% lên 52% và giữ ổn định đến năm 2030; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt trên 2,5 triệu m3, gấp 172 lần so với năm 1989.
Ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao, số tàu cá của tỉnh đã đăng ký trên 4.200, với tổng công suất hơn 1,7 triệu CV, ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư nâng cấp cải hoán tàu cá, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và áp khoa học kỹ thuật vào đánh bắt để mang lại hiệu quả trong khai thác thủy sản. Sản lượng thủy sản đánh bắt kế hoạch năm 2024 ước đạt 265.000 tấn, gấp hơn 10,8 lần so với năm 1989.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 95/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,2%. Trong đó, có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Cùng với đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã để lại nhiều dấu ấn, nhất là công tác xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP gần hơn với người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP được công nhận. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 190 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao.
Có thể nói, trong 35 năm qua, nông nghiệp của tỉnh đã đóng góp lớn vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ngành nông nghiệp đang phải đối diện với những thách thức mới về bất ổn thị trường, cạnh tranh, biến đổi khí hậu,... Chính vì vậy, để duy trì và phát huy tốt vai trò của nông nghiệp, đòi hỏi tư duy về ngành nông nghiệp phải thay đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, văn minh.
Tin liên quan
- Tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
- Công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn
- THỰC TRẠNG HẠ TẦNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CẢNG CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
- Tình hình sản xuất vụ Hè Thu 2024
- NGƯ DÂN QUẢNG NGÃI GÓP PHẦN BẢO VỆ NGƯ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG HOÀNG SA – TRƯỜNG SA
- Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2024
- Công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi
- Họp góp ý lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa sản xuất vụ Hè Thu 2024
- Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi năm 2024
- Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 - 11/4/2024)