Một số điểm mới của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
22/04/2024 10:36 5910
Ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Khóa 14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, vì vậy Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cần phải thay đổi để phù hợp với quy định của Luật. Ngày 05/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. Sau đây là một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
1. Về phạm vi điều chỉnh:
Xác định hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản bao gồm 09 nội dung, cụ thể như sau: (i) Vi phạm các quy định về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; (ii) Vi phạm các quy định về quản lý giống thủy sản; (iii) Vi phạm các quy định về nuôi trồng thủy sản; (iv) Vi phạm các quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; (v) Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản; (vi) Vi phạm các quy định về tàu cá và thuyền viên tàu cá; (vii) Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; (viii) Vi phạm các quy định về ngành nghề dịch vụ thủy sản; (ix) Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.
2. Về đối tượng bị xử phạt:
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động thủy sản trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Như vậy, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam. Quy định như vậy nhằm bảo đảm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản được xử lý triệt để và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt trong thời điểm Ủy ban Châu Âu đang cảnh báo “Thẻ Vàng” đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam.
3. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 02 (hai) năm.
- Bổ sung quy định: “Vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm trong lĩnh vực thủy sản mà chưa được quy định cụ thể trong Nghị định này được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính” nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện xử phạt.
4. Về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và nguyên tắc xác định mức vi phạm về chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản:
Về mức phạt tiền: mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng. Quy định rõ như vậy để tránh có cách hiểu khác trong quá trình triển khai thực hiện;
4. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
a) Mục 1. Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bảo vệ các loài thủy sản, quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các hoạt động bị nghiêm cấm tại các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển.
So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP đã chia nhỏ một số hành vi vi phạm theo chiều dài tàu cá, bổ sung hành vi vi phạm đối với loài thủy sản thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt. Điều chỉnh một số từ ngữ để phù hợp với Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
b) Mục 2. Vi phạm quy định về giống thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về quản lý giống thủy sản; điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản; khảo nghiệm giống thủy sản; vận chuyển, nhãn hàng hóa giống thủy sản; giấy chứng nhận, văn bản cho phép, giấy phép về giống thủy sản.
So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, tại mục này đã bổ sung các hành vi vi phạm như: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ không duy trì một trong các điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; Sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản của cơ sở vi phạm.
c) Mục 3. Vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về chất lượng trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản; về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về chất lượng trong mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản; về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về sản xuất, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hết hạn sử dụng; về sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; về giấy chứng nhận, văn bản cho phép, giấy phép về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, tại mục này đã bổ sung các hành vi vi phạm như: hành vi cập nhật không đúng hoặc không đủ thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; hành vi lưu giữ, vận chuyển, giới thiệu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông thị trường mà không cập nhật thông tin theo quy định; hành vi không duy trì điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của cơ sở vi phạm. Đây là những nội dung được phát hiện còn thiếu trong quá trình thực thi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Việc bổ sung các quy định này sẽ khắc phục được tình trạng bỏ lọt hành vi vi phạm.
d) Mục 4. Vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về điều kiện nuôi trồng thủy sản; về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; về sử dụng khu vực biển được giao không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản; về sử dụng khu vực biển được giao có thu tiền để nuôi trồng thủy sản.
Tại mục này đã bổ sung hành vi vi phạm: Địa điểm nuôi trồng thủy sản không đúng với vị trí đã đăng ký; nuôi mỗi loài thủy sản không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc vây bắt, tiêu diệt thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên.
đ) Mục 5. Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản; về hạn ngạch khai thác thủy sản; về vùng khai thác thủy sản; về sử dụng ngư cụ, thiết bị khai thác thủy sản; về sử dụng điện để khai thác thủy sản; về sử dụng chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản; về ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; về đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; về hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam; về chuyển tải hoặc hỗ trợ tàu cá đã được xác định có hành vi khai thác bất hợp pháp; về treo Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá.
- Đối với nhóm hành vi nghiêm trọng, bổ sung các hành vi vi phạm như sau: Cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; cung cấp kẹp chì hoặc kẹp chì thiết bị giám sát hành trình tàu cá không đúng quy định; không có thiết bị VMS trên tàu khi đang hoạt động, đây là những hành vi có tác động lớn đến hoạt động khai thác bất hợp pháp. Trong thời gian qua các hành vi này được phát hiện nhiều tuy nhiên không xử phạt được vì thiếu quy định. Do vậy, đã bổ sung vào Nghị định để đảm bảo không bỏ lọt hành vi vi phạm đặc biệt là các hành vi được xếp vào nhóm hành vi nghiêm trọng. Nội dung này đã được nhiều địa phương và Bộ Quốc phòng đề xuất cần thiết phải đưa vào Dự thảo Nghị định.
- Một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu cá để đảm bảo việc áp dụng và phù hợp với thực tiễn như: hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; hành vi chuyển tải hoặc vận chuyển nguồn lợi thủy sản từ tàu cá khai thác thủy sản mà không có Giấy phép khai thác hoặc Giấy phép hết hạn hoặc không có hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; hành vi chuyển tải hoặc vận chuyển nguồn lợi thủy sản từ tàu cá khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; không có hoặc không nộp hoặc ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản theo quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động trên biển…
e) Mục 6: Vi phạm các quy định về quản lý tàu cá và thuyền viên tàu cá: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá; về quản lý trang thiết bị cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát trên tàu cá; về giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; về đánh dấu tàu cá, đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường; về đăng ký tàu cá; về nhập khẩu tàu cá; về quản lý thuyền viên tàu cá.
So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, tại mục này đã bổ sung các hành vi vi phạm như: không mang Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động theo quy định; không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét; không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động; không bố trí đủ định biên an toàn tàu cá theo quy định; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, không đúng, không đầy đủ hoặc không cập nhật dữ liệu theo quy định đối với tàu cá cập cảng, rời cảng, sản lượng và thành phần loài thủy sản, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định; thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp hoặc loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam…Việc bổ sung các hành vi này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân thông qua việc thực thi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
g) Mục 7. Vi phạm các quy định về ngành nghề dịch vụ thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; quy định khác về đóng mới, cải hoán tàu cá; về điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá; về thực hiện giám sát kỹ thuật tàu cá đóng mới, cải hoán; về kinh doanh trang thiết bị cứu sinh phục vụ hoạt động thủy sản; hoạt động cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá.
Về cơ bản mức phạt tiền và hành vi vi phạm được quy định tại Mục này đã kế thừa quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
h) Mục 8. Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản: quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản; về tạm nhập; về chế biến thủy sản.
Tại mục này đã chia nhỏ khối lượng thủy sản có được thông qua hành vi vi phạm bị thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản. Việc chia nhỏ để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện xử phạt.
Một số mức phạt, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được điều chỉnh, bổ sung nhằm phù với tình hình thực tiễn.
i) Mục 9. Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản:
Về cơ bản mức phạt tiền và hành vi vi phạm được quy định tại Mục này đã kế thừa quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, dự thảo Nghị định quy định chi tiết hơn về hành vi để phù hợp với Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt được phân định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng cơ quan và yêu cầu về chuyên môn trong xử lý các loại hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền xử phạt của các chức danh cũng được cân nhắc trên cơ sở phân định rõ phạm vi xử phạt vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao cho các chức danh để có quy định phù hợp.
So với quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP đã bổ sung một số chức danh có thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) về mức phạt, các hành vi được xử phạt.
Bổ sung một số chức danh được quyền xử phạt trong lĩnh vực thủy sản như: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Thủy đoàn trưởng ….
Bổ sung 01 Điều quy định về thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm để đảm bảo các hành vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn được phát hiện và xử lý kịp thời…
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024./.
Tin liên quan
- Dự báo cháy rừng đang ở cấp IV
- Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
- Chấn chỉnh công tác tuyên truyền trực quan trên địa bàn tỉnh
- Hướng dẫn làm việc, tiếp xúc với nhà báo, phóng viên và cung cấp, xử lý thông tin báo chí
- Hướng dẫn ứng dụng công nghệ trong xác nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
- Quyết định Áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Quyết định Bổ sung, điều chỉnh biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Quyết định Thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa đến, về từ vùng dịch vào tỉnh Quảng Ngãi.