Khuyến nông với công tác cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp
26/04/2024 10:13 181
Nhằm từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở cho một nền nông nghiệp tiên tiến và bền vững.
Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo dòng sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất và là tiền đề quan trọng cho các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện thành công mô hình máy xới đất mini và mô hình máy cuốn rơm rạ.
Mô hình máy xới đất mini được triển khai thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn và các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng với quy mô 10 máy và 10 hộ dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí mua máy, tập huấn, hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng.
Anh Đinh Văn Ngon ở xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây tham gia mô hình máy xới đất mini cho biết, trước đây gia đình anh phải sử dụng sức kéo của trâu, bò để cày, xới đất, những chỗ không cày được phải cuốc bằng tay mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí sản xuất. Năm 2023, gia đình anh Ngon được Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi hỗ trợ 01 máy xới đất mini 6,5 HP rất phù hợp với điều kiện miền núi, nhất là khi cày, bừa trên những đám ruộng bậc thang nhỏ. “Máy cày đất mini có cấu tạo nhỏ gọn, chỉ nặng khoảng 45 kg nên rất dễ di chuyển, không tốn nhiều công sức mà việc làm đất lại nhanh. Với máy xới đất minin này, tôi không chỉ dùng để làm đất ruộng, đất vườn của gia đình mà còn giúp được cho nhiều gia đình trong vùng”, anh Ngon chia sẻ thêm.
Máy xới đất mini được trang bị động cơ xăng 4 thì, 1 xi lanh sản sinh công suất tối đa 6,5 mã lực, có thể làm tơi đất, lên luống đất trồng rau, đánh cỏ làm cỏ vườn, hoa màu, cày, bừa ruộng khô, ruộng nước với độ rộng cày xới từ 80 - 100 cm, độ sâu cày xới từ 15 - 20 cm…
Mô hình máy cuốn rơm rạ được triển khai thực hiện tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Sơn Tịnh với quy mô 11 máy và 11 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, hướng dẫn vận hành bảo dưỡng máy và 50% chi phí mua máy, còn lại do nông dân đối ứng.
Ông Đặng Thành Chí ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa tham gia mô hình cho biết, máy cuốn rơm, rạ có thể cuốn được cuộn rơm dài 50 - 70cm, với công suất mỗi giờ cuốn được từ 80 - 120 cuộn rơm, mỗi cuộn rơm có trọng lượng từ 18 - 25kg. Ông Chí chia sẻ, “với điều kiện ruộng canh tác ở địa phương, máy cuốn rơm rạ này nếu mỗi giờ cuốn được 60 bó rơm và mỗi bó rơm có giá 6.000 đồng, thì một giờ tôi thu được 360.000 đồng, trừ các khoản chi phí xăng dầu, công lao động… tôi còn lãi được gần 180.000 đồng/giờ”.
Máy cuốn rơm, rạ được xem là giải pháp tối ưu trong xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Máy cuốn rơm có cơ chế vận hành khá đơn giản. Rơm được hút lên bằng thiết bị răng cuốn phía trước. Các thanh răng đưa rơm vào máy, sau đó rơm được cuộn lại và nén chặt bởi trục cuốn nằm ở phía trong cuộn rơm với trọng lượng bình quân từ 18 - 25 kg được nhả ra sau khi đã cuộn chặt.
Theo các hộ dân tham gia mô hình và chính quyền địa phương, mô hình máy cuốn rơm, rạ đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức, thói quen xử lý rơm rạ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sau thu hoạch do đốt rơm, rạ và tận dụng được nguồn phế phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc và sản xuất nấm... giúp giải quyết tính cấp bách của mùa vụ, thiếu hụt lao động trong sản xuất, tiết kiệm thời gian, nhân công và góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia mô hình.
Các mô hình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đang dần khẳng định tính hiệu quả trên đồng ruộng, việc đưa cơ giới hoá vào trong khâu làm đất ở các huyện miền núi và máy cuốn rơm, rạ sau thu hoạch ở các huyện đồng bằng đã góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tin liên quan
- Quảng Ngãi: lúa Đông Xuân 2023-2024 được mùa, được giá
- Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ chứa nước thủy điện Hà Nang
- Hội thảo đánh giá các giống lúa HN6, HG12 vụ Đông Xuân 2023 – 2024
- Bộ NN-PTNT chỉ đạo không để cúm gia cầm lây lan diện rộng
- Máy xét nghiệm Real-time PCR phát hiện 50 loại bệnh thủy sản
- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Trung làm việc với Trung tâm Khuyến nông
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
- HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
- Tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh”
- Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước mùa mưa, lũ 2023 với phương châm “Chủ động phòng tránh, kiên quyết chống dịch”