Hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
23/10/2024 22:04 41
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với loài lợn, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu ngoài môi trường, nhất là trong các sản phẩm của lợn và chưa có thuốc điều trị. Bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên vào năm 2019, từ đó đến nay hàng năm thường phát sinh các ổ dịch lớn, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024, bệnh DTLCP đã bùng phát thành nhiều ổ dịch ở các huyện, thị xã và thành phố. Sau một thời gian, các địa phương tăng cường thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm mạnh, nhiều địa phương đã qua 21 ngày và chưa có ca bệnh tái phát.
Hiện nay giá lợn giống đột ngột tăng cao, chứng tỏ người chăn nuôi lợn đang ồ ạt tái đàn, đây là nguy cơ rất lớn để bệnh DTLCP bùng phát trở lại nếu chăn nuôi lợn sau dịch bệnh DTLCP không đúng cách. Để tái đàn lợn đảm bảo an toàn nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, khép kín, an toàn sinh học; đảm bảo sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh trong dịp Tết và mùa Lễ hội Xuân 2025 sắp đến; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sau dịch bệnh DTLCP.
1. Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh DTLCP
Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh DTLCP là biện pháp hàng đầu, căn cơ và hiệu quả nhất. Hiện nay có hai loại vắc xin phòng bệnh DTLCP đã được Cục Thú y cấp phép lưu hành và được sử dụng như sau:
- Các loại vắc xin:
+ Vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco;
+ Vắc xin AVAC-ASFLIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam.
- Công dụng: phòng bệnh DTLCP cho lợn thịt.
- Liều lượng: 2ml/con.
- Đường tiêm: Tiêm bắp thịt.
- Đối tượng tiêm: Lợn từ 4 tuần tuổi trở lên.
- Tỷ lệ tiêm phòng: Đạt 80% diện tiêm.
- Bảo quản: Từ 2-80C.
- Lưu ý:
+ Cấm tiêm vắc xin cho lợn nái và đực giống;
+ Tiêm phòng vắc xin một mũi tiêm duy nhất và phòng bệnh được 5 tháng.
2. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học
- Đối với chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi lợn:
+ Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi,…);
+ Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi;
+ Nên có ô chuồng nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập hoặc lợn bị bệnh;
+ Có khu vực thu gom và xử lý chất thải;
+ Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống khoảng 1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau;
+ Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng;
+ Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín; nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.
- Đối với lợn giống: Chỉ mua con giống có nguồn gốc rõ ràng ở các cơ sở chăn nuôi có uy tín, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP; có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh và thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 753/SNNPTNT ngày 28/02/2024 về việc tăng cường quản lý công tác giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện các Quy trình chăn nuôi:
+ Áp dụng phương thức quản lý đàn lợn "cùng vào - cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: Dãy chuồng, ô chuồng;
+ Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển;
+ Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phải được nấu chín trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của lợn bệnh, trại lợn;
+ Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn; tuyệt đối không sử dụng nguồn nước sông, suối, mương chưa được khử trùng (nấu sôi hoặc sử dụng hóa chất để tiệt trùng);
+ Bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn; sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như tụ huyết trùng, dịch tả lợn,…v.v phòng tránh cho lợn bị nhiễm bệnh và dễ ghép bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Vệ sinh, tiêu độc và kiểm soát động vật và con người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi:
+ Hạn chế tối đa động vật và con người ra, vào khu vực chuồng nuôi; chuồng nuôi phải có tường rào, cổng ngõ để ngăn động vật và người lạ xâm nhập vào chuồng nuôi, đặc biệt là chuột; trước cổng ra vào chuồng nuôi phải có hố khử trùng; chuồng nuôi nên có lưới hoặc sử dụng hóa chất diệt côn trùng để ngăn ruồi, muỗi vào trại, nhất là ngăn không cho dán vào chuồng nuôi. Đối với người, trước khi vào trại phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng;
+ Bổ sung hoặc thay hàng ngày thuốc sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào khu chăn nuôi, chuồng nuôi;
+ Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần;
+ Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng;
+ Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên;
+ Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới vào nuôi.
- Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi:
+ Các phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng;
+ Không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến khu vực nuôi lợn; chỉ sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển;
+ Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.
- Xử lý chất thải chăn nuôi:
+ Chất thải chăn nuôi phải được thu gom về khu vực cuối chuồng nuôi để xử lý hoặc để xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước;
+ Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoá chất hoặc bằng phương pháp sinh học;
+ Chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng; được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp sinh học phù hợp.
- Thực hiện “05 không” trong chăn nuôi:
+ Không giấu dịch;
+ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;
+ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;
+ Không vứt xác lợn chết ra môi trường;
+ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
- Khi giám sát phát hiện cơ sở chăn nuôi lợn có những biểu hiện bất thường, lợn chết không rõ nguyên nhân thì phải báo cáo kịp thời để kiểm tra, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định.
- Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân nuôi không tiêm phòng vắc xin bắt buộc, không khai báo, giấu dịch, bán chạy, vứt xác động vật chết ra môi trường…và mua bán lợn, lợn giống và các sản phẩm từ lợn trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, sử dụng các loại giấy tờ, các kết quả xét nghiệm giả mạo để lừa đảo người chăn nuôi.
Tin liên quan
- SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỈNH QUẢNG NGÃI HỌC TẬP, TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TẠI TỈNH NGHỆ AN
- Công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Những thách thức còn phía trước
- Greenfeed phát triển chăn nuôi bền vững với nguồn heo giống nhập khẩu
- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030
- Kế hoạch thực hiện Đề án ưu tiên đẩy mạnh hoạt động KH và CN ngành chăn nuôi đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ
- Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường SP chăn nuôi đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp SX giống vật nuôi đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển CN chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở QUẢNG NGÃI
- Tham vấn xây dựng mẫu “phương án nuôi, trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng”