Gieo sạ lúa theo mật độ khuyến cáo
01/06/2023 06:12 5224
Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công trong các vụ sản xuất lúa là sử dụng giống như thế nào cho phù hợp. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân giảm lượng giống và sử dụng giống lúa kỹ thuật theo cơ cấu giống đã được ban hành để gieo sạ.
Hiện nay, nhiều vùng sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh nông dân vẫn còn tập quán sạ dày và chưa chú trọng sử dụng giống lúa kỹ thuật để gieo sạ. Ông Phạm Lãnh, thôn Phúc Minh xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành canh tác 5 sào lúa. Ông Lãnh cho biết, canh tác trên chân đất pha cát nên cây lúa còi cọc kém phát triển và ít đẻ nhánh. Nếu gieo sạ theo khuyến cáo từ 4 - 5 kg giống/sào thì lúa sẽ thưa, năng suất thấp. Vì vậy, đầu vụ nào cũng vậy, mỗi sào ông gieo sạ từ 7 – 8 kg giống.
Nguyên nhân chính của việc gieo sạ dày là tâm lý nông dân lo ngại giống bị chết sau khi gieo sạ, thêm vào đó là tình trạng ốc bươu vàng phá hại. Ông Võ Lợi, nông dân ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa chia sẻ: Một sào là 7 kg mình sạ hơi dày chứ đúng ra là 5 kg, trừ hao sau nó chết nước úng các thứ nữa mà, ốc cũng nhiều, rồi sau mình sửa soạn lại.
Việc hao hụt giống, ngoài các tác nhân gây hại trên đồng ruộng như ốc bươu vàng, chim, chuột thì việc làm đất không đúng kỹ thuật, độ đồng đều không đảm bảo cũng dẫn đến hạt giống bị hư hại. Vì vậy, lượng giống vẫn có thể giảm được nếu kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, tưới nước đúng phương pháp, bón phân hợp lý sẽ tạo điều kiện cho lúa thông thoáng đẻ nhánh khỏe, bông to, hạt chắc, ít nhiễm sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, việc gieo sạ dày sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất đồng thời gây nguy cơ bộc phát sâu bệnh trên diện rộng. “Đối với bất cứ vụ nào cũng vậy, cây trồng nào cũng vậy đề nghị bà con nông dân sử dụng mật độ giống theo khuyến cáo. Chúng ta không gieo sạ quá dày khiến cây lúa còi cọc phát triển không đồng đều. Chúng ta phải bỏ ra một số tiền lớn để mua giống từ đầu vụ và có nhiều đối tượng sâu bệnh phát triển đối với vùng gieo sạ dày. Cho nên chúng ta gieo sạ hợp lý theo khuyến cáo đối với từng loại giống từng chân đất để chúng ta tiết kiệm chi phí ngay từ đầu và hạn chế được sâu bệnh”, ông Bá cho biết thêm.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, để gieo sạ được lượng giống hợp lý, 4 – 5 kg/sào thì việc áp dụng đồng bộ các biện pháp khác như bón phân sớm tập trung ngay từ đầu vụ và cân đối, tưới nước kết hợp tháo cạn phơi ruộng, giúp cây lúa đủ dinh dưỡng, tạo độ thông thoáng lấy được nhiều oxy và ánh sáng cây lúa sẽ đẻ khỏe cho dảnh mập, bông to, hạt mẩy, chắc. Khi cây lúa khỏe sẽ hạn chế được các đối tượng sâu bệnh hại, giảm các chi phí như giống, tưới nước, bón phân, quan trọng hơn là khi cây lúa cứng, khỏe sẽ tránh được rủi ro trước thời tiết bất lợi, như mưa dông, gió lớn vào cuối vụ, gây ngã đổ làm giảm năng suất lúa.
Tin liên quan
- Tăng cường phân bón hữu cơ, giảm chi phí sản xuất lúa
- Những dấu hiệu sớm nhận biết tôm nuôi nhiễm bệnh
- Tìm hướng phát triển bền vững cho cây tỏi Lý Sơn
- Sản xuất ngô sinh khối tại tỉnh Quảng Ngãi – thực trạng và giải pháp
- Họp góp ý lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa sản xuất vụ Hè Thu 2023
- BẢN TIN SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRONG NƯỚC THÁNG 4 NĂM 2023
- Hội nghị đánh giá mô hình giống lúa thuần chất lượng SMART 56
- Hội nghị đầu bờ các giống lúa QNg6, QNg13 và QNg128
- Quảng Ngãi có thêm 34 sản phẩm OCOP
- Sở Nông nghiệp và PTNT trực báo tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023 và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh