Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước năm 2024

14/08/2024 15:39    123

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 836 công trình thủy lợi (gồm 127 hồ chứa nước, 557 đập dâng, 08 đập ngăn mặn và 144 trạm bơm) được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh là 4.275,0 km. Chiều dài kênh mương đã kiên cố hóa là 2.575,3 km (chiếm tỷ lệ 60,2%).

Toàn tỉnh có 77.192m đê sông, đê biển và đê cửa sông; 82.688,6m kè bảo vệ bờ và 4.127,7m mỏ hàn. Hệ thống đê, kè hiện có trên địa bàn tỉnh chủ yếu mang tính chất tạm thời (trừ hệ thống đê, kè được đầu tư bởi Ngân sách nhà nước, các dự án ODA và nguồn vốn tu bổ đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý).

Trong tổng số 836 công trình, có 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp khoảng 69/196 hồ chứa nước; bên cạnh đó, hiện đang triển khai thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 03 hồ chứa nước. Mặc dù vậy, toàn tỉnh còn 22 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Các công trình hư hỏng, xuống cấp ở các hạng mục, như: Đập đất: Kích thước mặt cắt ngang không đảm bảo do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập, không có vật thoát nước hạ lưu đập. Tràn xả lũ: Phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở. Một số tràn xả lũ làm bằng bê tông hoặc đá xây do xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiêu năng. Cống lấy nước: Bị rò rỉ dọc thân cống, cửa van đóng mở cống bị hư hỏng. Đường quản lý công trình kết hợp cứu hộ, cứu nạn: Mặt đường bằng đất không được gia cố, thường bị xói lở vào mùa mưa lũ. Hệ thống kênh: Phần lớn chưa được kiên cố hóa nên nước tưới bị tổn thất lớn, giảm hiệu quả khai thác công trình.

Đối với đập dâng và trạm bơm: Các bể tiêu năng, sân trước, sân sau và tường bên thượng hạ lưu làm bằng đá xây bị hư hỏng, xói lở, cần phải sửa chữa nâng cấp; nhiều trạm bơm có động cơ quá cũ. Các đập dâng ở miền núi thường bị hư hỏng lớp bê tông bảo vệ bề mặt tràn, mặt đập, để lộ cốt thép, bồi lắng thượng lưu đập và xói lở hạ lưu đập.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các công trình trên là do: Phần lớn các công trình xây dựng trước năm 1989 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc nhân dân làm nhà nước hỗ trợ” được đầu tư không đồng bộ, chưa kiên cố và thi công bằng thủ công nên công trình không đảm bảo chất lượng. Tình hình mưa, lũ diễn biến ngày càng phức tạp với tần suất và cường độ mưa, lũ ngày càng cao (do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu), làm cho nhiều công trình nhanh xuống cấp, nhất là những hồ chứa nước quy mô vừa và nhỏ.  Kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên quá ít và công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình tại một số đơn vị chưa được chú trọng nên công trình nhanh xuống cấp.  Năng lực nhân viên của các Tổ chức thủy lợi cơ sở (số lượng, trình độ) ở các xã còn hạn chế, chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định nên hiệu quả quản lý và khai thác công trình chưa cao.

Để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2024 đối với các công trình trên, giải pháp khắc phục trước mắt, bao gồm:

- Về giải pháp phi công trình: Thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân kỹ thuật làm công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Các tổ chức khai thác công trình có trách nhiệm quản lý, khai thác công trình đúng quy định; trong đó: Phải thường xuyên kiểm tra, phát dọn cây cỏ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức thấp đối với công trình có biểu hiện mất ổn định do thấm lớn qua mang cống lấy nước, mạch đùn, mạch sủi ở hạ lưu đập. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, gây mất an toàn công trình đối với các công trình do địa phương, đơn vị quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các công trình thủy lợi hiện đang đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp; hướng dẫn, đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm an toàn vượt lũ chính vụ.

- Về giải pháp công trình: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các công trình bị xuống cấp để kịp thời phát hiện hư hỏng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình. Đối với công trình hư hỏng nhỏ (bao gồm: sạt lở, bồi lắng kênh dẫn, bồi lắng thượng lưu đập, xói lở đuôi tràn xả lũ, rò rỉ, thấm lậu,…): Tổ chức khai thác công trình thủy lợi sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và các nguồn lực khác để sửa chữa, khắc phục. Đối với công trình hư hỏng lớn, xuống cấp nghiêm trọng (bao gồm: Hư hỏng tràn xả lũ, cống lấy nước; thấm qua thân đập … có khả năng gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2024): Thường xuyên tổ chức kiểm tra và lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, lập kế hoạch và kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư nâng cấp sửa chữa, đảm bảo an toàn lâu dài.  Đối với các công trình đang thi công dở dang (công trình xây dựng nhiều năm): Cần tập trung lực lượng, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo vượt lũ chính vụ năm 2024. Tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

Một số hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp đã được các địa phương, đơn vị xử lý tạm thời những vị trí xung yếu và thực hiện nghiêm công tác ứng phó thiên tai để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2024.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở