Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển Lý Sơn

06/05/2022 09:55    443

Hiện nay, công tác bảo tồn biển (BTB) luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành, nhờ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân sống trong và xung quanh Khu bảo tồn. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong vùng biển ven bờ đảo Lý Sơn luôn được duy trì và phát triển.

Trong năm 2021, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả khả quan. Thực hiện quan trắc, đánh giá đa dạng sinh học hệ sinh thái thảm cỏ biển. Kết quả ghi nhận sau quan trắc thống kê tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn hiện nay có 7 loại cỏ biển bao gồm: Cỏ vích (Thalassia hemprichii), cỏ hẹ ba răng (H. uninervis), cỏ năn biển (Syringodium isoetifolium), cỏ xoan nhỏ (Halophila major), cỏ xoan (H. decipiens), cỏ kiệu tròn (Cymodocea rotundata); độ phủ cỏ biển trung bình toàn vùng là 53% giảm 17% so với năm 2010. Một số nguồn lợi sinh vật đáy kích thước lớn có giá trị kinh tế cao sống trong thảm cỏ biển có xu hướng giảm dần nhưng ngược lại sinh vật đáy kích thước nhỏ lại có xu hướng tăng lên. Thực hiện chương trình lặn bắt sao biển gai được 167 con nhằm tiêu diệt kẻ thù của san hô giúp cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo đa dạng sinh học được duy trì tại hai phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở phía Bắc và phía Nam.

Thực hiện chương trình giám sát rác thải ngầm san hô với kết quả làm sạch rác hơn 600m chiều dài tại 3 bãi rạn san hô (trạm Trố Hòn, trạm cảng Bến Đình, trạm Đình làng An Hải) với trọng lượng gần 150 kg rác thải biển (bao gồm lưới ma, dây ống thở, vỏ lon nước ngọt, quần áo vải, dây cước câu, lưỡi câu, chì lưới...) được thải ra từ các nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận tải trên biển. Chương trình giám sát rác thải bãi biển cũng góp phần làm sạch môi trường biển vùng triều, làm giảm các tác nhân gây suy giảm đa dạng sinh học các hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn rất nhiều.

 Ngoài ra, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn còn phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi thả 500 con giống hải sâm vú trắng và 5000 con giống bào ngư 9 lỗ tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái; phối hợp với nhóm thiện nguyện tổ chức chương trình "Giải cứu những Cô Cua huỳnh đế đang mang trứng về với Đại dương" với nội dung là thả 47 cá thể cua huỳnh đế mang trứng (tổng trọng lượng 11,7 kg) vào phân khu phục hồi sinh thái khu bảo tồn biển Lý Sơn…. Các hoạt động này nhằm mục đích phục hồi, tái tạo, làm tăng nguồn lợi thủy sản có giá trị cao, góp phần tăng tính đa dạng sinh học của vùng biển Lý Sơn, đồng thời tuyên truyền đến ngư dân lựa chọn hình thức khai thác thuỷ sản hợp lý, theo đúng mùa vụ, không khai thác những cá thể còn non hoặc đang mang trứng và khai thác theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung trong năm qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã mang lại hiệu quả, có tác động đến hệ thống chính quyền địa phương và đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của tất cả người dân tham gia khai thác, đánh bắt thuỷ sản và một số doanh nghiệp du lịch. Ngư dân, các doanh nghiệp du lịch đã dần nắm bắt được các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của nhà nước về bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học.

Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn; tiếp tục thực hiện quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái san hô để đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của các hệ sinh thái sau ba năm triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô. Triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái nhằm thu hút các nhà đầu tư cho công tác bảo tồn biển, phát triển các giá trị đa dạng sinh học tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Huỳnh Ngọc Dũng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở