Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

UBND tỉnh họp triển khai việc nuôi trồng thuỷ sản trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện

24/06/2022 13:56    332

Sáng 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo và chỉ đạo việc nuôi trồng thuỷ sản trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tham dự họp có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành có liên quan của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện và hồ chứa tự nhiên khá lớn. Riêng hồ chứa thủy lợi hiện có 124 hồ, trong đó có 25 hồ lớn, 36 hồ vừa và 63 hồ nhỏ. Đa số hồ chứa có độ sâu hơn 10m và diện tích lưu vực rộng. Phong trào nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa tự nhiên trong những năm qua đã bắt đầu phát triển. Hàng năm có khoảng 940 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800 ha nuôi ở các hồ chứa, với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm.

Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ trong thời gian tới theo hình thức thả nuôi sinh thái tự nhiên, nuôi lồng bè, kết hợp với các loại hình câu cá giải trí, dã ngoại,…với sự liên kết chặt chẽ giữa 6 nhà trong công tác quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, con giống, kết nối tiêu thụ sản phẩm đầu ra,…Các Sở, ngành, địa phương cơ bản cũng thống nhất với chủ trương phát triển nuôi thủy sản trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nuôi tự nhiên trên các sông, suối. Tuy nhiên tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi và nhất là tạo liên kết đầu ra ổn định cho người nuôi... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đánh giá, với diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện và hồ chứa tự nhiên lớn, phong phú, dồi dào, tỉnh ta có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, có thể tăng sản lượng nuôi thủy sản lên gấp nhiều lần hiện nay. Về chủ trương, tỉnh khuyến khích khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế địa phương, trong đó có việc nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Tuy nhiên, việc phát triển phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và đảm bảo các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, an toàn hồ đập, thoát lũ,…Phát triển nuôi trồng thủy sản trong các lòng hồ thủy lợi, thủy điện cũng là những mô hình sinh kế rất thiết thực giúp cho người dân địa phương, nhất là đồng bào các huyện miền núi, nơi có nhiều hồ chứa lớn có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với từng nội dung liên quan đến việc phát triển nuôi thủy sản trong lòng hồ; trong đó khuyến khích thành lập mới và ưu tiên cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững, với nhiều hộ dân tham gia; đặc biệt lưu ý việc phát triển nuôi thủy sản trong lòng hồ chứa phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 6 nhà, cụ thể là sự liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng và nhà phân phối; khuyến khích nuôi theo hướng sinh thái, cộng đồng.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở