Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Sử dụng phân bón cân đối, hợp lý và tiết kiệm trong sản xuất lúa

22/04/2022 10:33    224

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, ngoài việc chọn tạo ra những giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt thì sử dụng phân bón cân đối, hợp lý và tiết kiệm là hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế. Bón phân đúng và đủ sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo.

Cây lúa cần bón phân vì hầu hết đất không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sự phát triển tối ưu của cây. Ngay cả khi trong đất có nhiều chất dinh dưỡng, khi cây lúa phát triển, chúng sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng và khiến đất kém màu mỡ hơn.Bón phân cân đối, hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây lúa đảm bảo tăng năng suất với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực trên nông sản và môi trường sinh thái.

Thứ nhất, bón đúng chủng loại phân: Cây lúa cần phân gì bón đúng loại phân đó, bón theo nhu cầu của cây và đặc điểm tính chất của đất. Bón đúng phân không những đáp ứng được yêu cầu của cây lúa mà còn giữ được ổn định môi trường của đất, ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng. Có 06 chất dinh dưỡng chính mà cây lúa cần với số lượng lớn gồm: Ba chất có sẵn trong môi trường đó là carbon từ CO2 trong không khí; hydro từ nước và oxy từ nước và không khí; 03 chất này ta sử dụng từ nguồn tài nguyên sẵn có, mà không cần phải mua, 03 chất hiện nay cần phải mua để cung cấp cho cây lúa qua phân bón là Nitơ (N), lân (P) và kali (K). Ngoài ra, cây lúa cũng cần 04 chất dinh dưỡng nhưng với lượng ít gồm Canxi (Ca), Magiê (Mg), Lưu huỳnh (S) và Silic (Si).

Thứ hai, bón đúng liều lượng và tỷ lệ: Mỗi loại cây trồng có một tỷ lệ cân đối các chất dinh dưỡng mà trong đất ít có một tỷ lệ các chất dinh dưỡng phù hợp với yêu cầu đó. Đối với lúa vụ Đông Xuân lượng đạm bón cao hơn vụ Hè Thu từ 10-20%. Tỷ lệ N : P2O5 : K2O bón cho lúa là 2 : 1 : 1 hoặc 3 : 2 :1 tùy theo vụ và chân đất khác nhau.

Thứ ba, bón đúng lúc, đúng thời điểm yêu cầu của cây lúa: Nhu cầu của cây lúa đối với các chất dinh dưỡng thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển, có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây lúa cần đạm, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Do vậy bón đúng thời điểm mới phát huy được tác dụng của phân. Đối với cây lúa, đạm và lân cần nhiều ở giai đoạn đầu, Kali cần nhiều ở giai đoạn đón đòng, trỗ bông đến chín. Vì vậy phải cân đối lượng phân bón cho thích hợp, khi bón nên chia phân bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc. Việc bón quá nhiều một lúc sẽ gây ra thừa phân lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm cho cây lúa dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng thấp. Bón đúng loại phân, bón đúng lúc sẽ tăng khả năng chống chịu của cây đối với hạn, rét, thời tiết bất thường của môi trường và với sâu bệnh gây hại (ví dụ phân kali). Bón phân không phải lúc nào cũng để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây trồng phát triển mà còn có trường hợp phải dùng phân để tác động hãm bớt tốc độ sinh trưởng nhằm tăng tính chịu đựng của cây lúa trước các yếu tố xấu phát sinh.

Thứ tư, bón đúng vụ, thời tiết: Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi các chất dinh dưỡng gây lãng phí. Nắng gắt cùng với tác động của các hạt phân bón có thể gây cháy lá, lép hạt. Lựa chọn loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng phân bón. Chế độ phân bón ở vùng, mưa ẩm ướt phải khác ở vùng khô hạn. Ví dụ: Ở vùng khô hạn trong thời kỳ cây lúa sinh trưởng bị thiếu nước nếu không có nước tưới thì việc bón sâu trước khi gieo có tác dụng lớn. Khi bón phân hữu cơ phải chọn loại phân khá hoai. Vùng thiếu nước mà bón phân hữu cơ nông và có độ hoai mục kém sẽ càng làm cho lớp đất mặt bị khô hạn hơn, quá trình khoáng hoá cũng chậm đi. Phân bón còn ảnh hưởng đến tính chịu hạn của cây lúa. Lân và kali làm tăng tính chống hạn của cây lúa vì nó làm tăng sức giữ nước của cây. Bón nhiều đạm làm giảm tính chịu hạn, cho nên những mùa vụ mà hạn cần chú ý bón lân và kali cho cây lúa; Nhiệt độ ảnh hưởng đến việc hút dinh dưỡng của cây. Nhiệt độ thấp vi sinh vật hoạt động yếu, bộ rễ cây cũng ít phát triển nên cây lúa hút ít dinh dưỡng. Do vậy mùa vụ nào có nhiệt độ thấp phải bón nhiều phân hơn vụ mùa có nhiệt độ cao. Ở nước ta bón supe lân và tro bếp cho mạ Đông Xuân là một biện pháp chống rét tốt. Ở nhiệt độ thấp vi sinh vật hoạt động yếu nên chất hữu cơ phân giải chậm, vì vậy, vụ Đông Xuân nên bón phân chuồng hoai mục hơn; Cường độ ánh sáng giảm thì cây quang hợp kém nên cây lúa hút chất dinh dưỡng cũng kém nhất là lân và tiếp theo là đạm, cây sinh trưởng kém. Kali ít bị ảnh hưởng hơn, thường thì trời âm u hiệu suất kali cao hơn. Trời âm u cây quang hợp kém mà bón nhiều đạm cây lúa không đủ đường để tạo Protid, tỷ lệ N tự do trong cây cao, cây dễ mắc bệnh. Do vậy không nên bón đạm khi trời âm u.

Thứ năm, bón đúng cách: Đối với phân đạm, có điều kiện nên bón vùi, kết hợp lúc cấy lúa, vừa tiết kiệm công vùi, vừa giảm chi phí. Bón phân theo cách “Nặng đầu nhẹ cuối”; bón đầy đủ giai đoạn đầu và giai đoạn sau có thể giảm bón theo kiểu “vá áo” để gia giảm theo tình hình sinh trưởng của cây lúa. Nếu thấy lúa tốt, nên ngưng bón đạm sau khi trổ để tránh lãng phí đạm và hạn chế sâu bệnh phát triển. Hiện tại có một số loại phân bón tiết kiệm đạm như: Urea Bio áo vi sinh Bacillus, Urea Gold áo EndoMycorrhi, Đạm áo N-(n-butyl) thiophosphoric triamide (NBPT), Urea N46 áo hoạt chất N-KEEP,… tùy loại có thể tiết kiệm trên 30% lượng urea so với thông thường; Đối với phân lân, khuyến cáo sử dụng Lân Văn Điển, nên bón lót lúc làm đất. Liều lượng bón 400 - 500kg/ha. Lưu ý hiệu quả của phân lân phụ thuộc rất nhiều vào pH đất, để hấp thụ P tốt, cây lúa yêu cầu độ pH của đất từ 6 đến 6,8. Nếu pH dưới ngưỡng 4, thì hiệu quả sử dụng phân lân thấp hơn 50%, do đó cần phải nâng pH đất trước khi bón phân lân bằng cách bón lót vôi với liều lượng phaa4- 300kg/ha để giúp nâng pH đất và gia tăng hiệu quả sử dụng phân lân; Đối với phân Kali, chỉ bón 01 lần vào giai đoạn nuôi đòng, khi đòng có từ 1-2 mm, thì bón kali ở liều lượng 40 kg/ha. Có thể bón thêm kali humate qua lá ở giai đoạn trổ đều để lúa vào hạt tốt.

Trước tình hình các loại phân bón vô cơ tăng giá mạnh, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư vào sản xuất lúa, bà con nông dân cần tăng cường hàm lượng phân bón hữu cơ để bón cho lúa.Theo đó, các loại phân chuồng trâu, bò, lợn, gà… ủ trong thời gian nhất định để bón; kết hợp tăng cường bón vôi bột để cải tạo đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ phát triển tốt hơn. Đối với phân bón vô cơ là không thể thiếu đối với cây lúa, song bà con cần cân đối lượng phân thật hợp lý, có thể giảm phân đạm, tăng phân tổng hợp.

Ngoài ra, bà con cần áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí trong thâm canh lúa. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI sẽ giúp người dân tiết kiệm khoảng 30% lượng giống, tiết kiệm nước tưới (từ 40-50%), giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất hơn 10-15% so với sản xuất thông thường và cải thiện đáng kể thành phần cơ giới đất. SRI được nông dân đón nhận áp dụng bởi các kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, điều tiết nước theo giai đoạn sinh trưởng, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

TS. Trần Văn Mạnh, ThS. Nguyễn Thị Mơ

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở