Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Sơn Tây nỗ lực phát triển các mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả

20/07/2023 16:06    218

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, huyện Sơn Tây đã có bước “đột phá” trong phát triển các mô hình nông, lâm nghiệp. Có được kết quả trên là nhờ trong những năm qua, huyện Sơn Tây đã tập trung thực hiện “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả

Cây bưởi da xanh có mặt trên địa bàn huyện từ những năm 2012, nhưng đến năm 2018 mới chính thức bén duyên với huyện Sơn Tây thông qua dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó, diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện được mở rộng, hiện toàn huyện đã có trên 80ha bưởi da xanh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các hộ dân đã trồng xen một số loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch sớm như ổi, nghệ, gừng... với cây bưởi. Kết quả bình quân thu nhập từ cây trồng xen đạt từ 45 – 70 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây bưởi đem lại doanh thu trên 80 triệu đồng/ha, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện tin tưởng lựa chọn.

Cây chuối cũng đang là loại cây trồng đem lại thu nhập khá cho đồng bào Ca Dong của huyện. Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, huyện Sơn Tây đã triển khai thực hiện 5 ha mô hình sản xuất chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGap. Kết quả qua 4 năm triển khai thực hiện mô hình đã tạo thu nhập ổn định cho các hộ tham gia, làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương từ sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Người dân yên tâm sản xuất khi sản phẩm làm ra được các tổ hợp tác, hợp tác xã bao tiêu. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX Nông nghiệp Sơn Liên chế biến chuối thành nhiều sản phẩm khác nhau như chuối sấy dẻo, dấm chuối, mật chuối... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân.

Song song với việc phát triển một số cây trồng mới, huyện đã chú trọng khôi phục một số loại cây trồng truyền thống để phát huy lợi thế vùng miền và tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là cây cau. Đến nay tổng diện tích cau toàn huyện trên 1.130 ha, trong đó có khoảng 520 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

Phát triển các mô hình mới

Bên cạnh tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, huyện Sơn Tây cũng đang triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đây là mô hình được thực hiện dưới sự tham gia của  “4 nhà” với mục đích nghiên cứu, thử nghiệm phát triển cây dược liệu quý hiếm theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: Sâm bảy lá, Khôi nhung, Đẳng sâm, Tam thất, đương quy ... Kết quả của các dự án sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng đề án phát triển cây dược liệu của huyện; giúp người dân tăng thu nhập từ việc tổ chức sản xuất các loại dược liệu quý dưới tán rừng, góp phần bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững.

Cùng với việc phát triển các mô hình trồng trọt, nhiều mô hình chăn nuôi, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Điển hình như giống thỏ New Zealand, giống gà Ai Cập,  cá tầm, cá chình ... Một số địa phương đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ dưới hình thức HTX, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Qua đó giúp người nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích nuôi trồng, hướng đến sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững (mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm heo ky, mô hình liên kết tiêu thụ gà thả vườn ...).

Những loại cây trồng, vật nuôi mới “bén duyên” trên vùng đất khó đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã thổi một luồng gió mới trong tư duy canh tác của đồng bào Ca Dong. Với tư duy làm nông nghiệp mới, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp của huyện Sơn Tây sẽ có chỗ đứng bền vững trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng cao.

Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Tây

Tin liên quan

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở