Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính của Chi cục Thủy sản

12/10/2020 07:46    118

Thời gian qua, Trung ương và địa phương đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa cơ quan, xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 là đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và công dân, trong đó xác định “nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công” là một trong ba trọng tâm của chương trình CCHC.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện CCHC. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã tích cực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đối với các TTHC của đơn vị.

Những tiện ích từ triển khai dịch vụ công trực tuyến việc cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức... có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.

Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Khi sử dụng DVCTT người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền. Ngoài ra, người dân còn biết được hồ sơ đăng ký của mình đang ở khâu nào trong quy trình xử lý. Ngày gửi hồ sơ, hồ sơ gửi đã đúng chưa, loại hồ sơ cần bổ sung (nếu thiếu), ngày nhận kết quả... được hiển thị minh bạch rõ ràng.

Với cán bộ được phân công xử lý hồ sơ, ngoài trình độ về chuyên môn thì kiến thức về CNTT cũng phải được nâng cao để xử lý quy trình hồ sơ điện tử; Xây dựng và đẩy mạnh triển khai các DVCTT góp phần đưa chỉ số về CCHC của đơn vị lên cao. Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Chi cục Thủy sản Thực hiện Quyết định 916/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020. Chi cục Thủy sản là đơn vị đầu tiên trong ngành nông nghiệp triển khai DVCTT và đã đáp ứng đạt tiêu chí 30% TTHC cung ứng DVCTT. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chi cục Thủy sản đã chủ động, tích cực rà soát giữa số lượng các TTHC có phát sinh hồ sơ thực tế với khả năng có thể áp dụng DVCTT, để đề xuất danh mục các TTHC áp dụng DVCTT mức độ 3,4. Cụ thể từ năm 2016 cho đến hết ngày 30/7/2019, khi đó Chi cục Thủy sản đang thực hiện 23 TTHC theo Quyết định 2655/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh về việc công bố TTHC chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi; và đã thực hiện cung ứng DVCTT đối với 14/23 TTHC, đạt tỉ lệ 60% TTHC áp dụng DVCTT.

Ngoài các TTHC áp dụng DVCTT nêu trên, Chi cục Thủy sản cũng đã tiến hành rà soát và lập kế hoạch xây dựng DVCTT độ 3, 4 cho 25 TTHC mới được ban hành theo Quyết định 1078/QĐ-UBND ngày 01/8/2019 của UBND tỉnh về việc công bố Danh mục Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT; theo đó riêng trong lĩnh vực thủy sản, đơn vị đã triển khai DVCTT là 11 TTHC (gồm 7 TTHC cung ứng DVCTT mức độ 3 và 4 TTHC cung ứng DVCTT mức độ 4), đạt tỉ lệ 44% TTHC áp dụng DVCTT.

Để đạt được kết quả trên, đơn vị đã bám sát các văn bản của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong công tác quản lý hành chính, tập trung đào tạo về ứng dụng CNTT cho đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; Tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, DVCTT do đơn vị cung cấp.

Riêng trong năm 2020, tính đến cuối tháng 10 đơn vị đã tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 7.000 hồ sơ đã tiếp nhận, đạt tỷ lệ 28% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến. Đẩy mạnh DVCTT đã góp phần thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai

Trong quá trình triển khai DVCTT của đơn vị, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc được ghi nhận như sau:

Thứ nhất: Nhiều người dân và tổ chức thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các DVCTT, nhiều người còn chưa được tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách nộp hồ sơ truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC. Do vậy, số lượng người sử dụng, số lượng hồ sơ thực hiện DVCTT vẫn chưa được cao.

Thứ hai: Việc gắn kết giữa DVCTT với các hình thức hỗ trợ như thanh toán trực tuyến, hỗ trợ nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính chưa cao làm hạn chế đến tính tiện ích của việc sử dụng DVCTT.

Thứ ba: Ngoài những nguyên nhân trên gây ảnh hưởng đến việc sử dụng DVCTT thì theo phản ánh của người dân, một hạn chế khác khiến người dân chưa mặn mà với DVCTT, đó là việc tiếp nhận hồ sơ của cán bộ một cửa còn chưa đảm bảo. Nhiều hồ sơ nộp trực tuyến bị từ chối tiếp nhận với các lý do không đúng quy định, yêu cầu bổ sung giấy tờ không có trong thành phần hồ sơ,…

Giải pháp triển khai dịch vụ công trực tuyến

Để phát huy những thành quả đạt được trong triển khai DVCTT thời gian qua, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới Chi cục Thủy sản sẽ tập trung thực hiện:

Đẩy mạnh DVCTT mức độ 3, 4 một cách thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như: Thay vì chờ người dân chính thức nộp hồ sơ mới tiếp nhận và hướng dẫn, thì đơn vị sẽ phân công công chức, viên chức tập trung vào việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc lập hồ sơ, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến ngay từ đầu vào để nâng cao chất lượng, tránh việc phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, giảm đi lại cho người dân. Công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa cần thực hiện đúng quy định về TTHC, thực hiện công việc phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể, nhưng không được tùy tiện, máy móc để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, với chi phí thấp nhất cho người dân.  Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả sử dụng DVCTT, lấy kết quả triển khai DVCTT làm tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng đối với các công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Chi cục Thủy sản

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở