Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hiệu quả Mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao năm 2021

10/01/2022 15:38    426

Trước tình hình nuôi tôm bất lợi, người dân ven biển ở huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ chuyển sang nuôi ốc hương, bước đầu có hiệu quả do thị trường tiêu thụ mạnh loại sản phẩm này. Tuy nhiên, việc nuôi ốc hương đơn lẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, gây ra nhiều dịch bệnh. Thực tế cũng đã cho thấy, từ cuối năm 2017 đến thời gian gần đây, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng tại các vùng nuôi ốc hương ở huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Nguyên nhân chính là do ốc hương ăn thức ăn tươi sống hằng ngày (cá, tôm,…), nên phần thức ăn thừa và chất thải của ốc hương làm cho nguồn nước trong ao nuôi phì dưỡng, tích tụ hữu cơ, phát sinh rong, tảo và vi khuẩn có hại làm môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, gây bệnh cho ốc hương.

Qua nghiên cứu đặc điểm sinh học của một số đối tượng cá biển, cá măng và cá dìa là hai loài có thời gian sinh trưởng phù hợp với ốc hương và sử dụng thức ăn chính là rong, tảo, mùn bã hữu cơ. Do vậy, việc nuôi ốc hương ghép với cá măng cá dìa để giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, giảm độ phì dưỡng, tạo cân bằng sinh học trong môi trường ao nuôi là giải pháp có tính khả thi, góp phần làm ổn định nghề nuôi ốc hương trên địa bàn tỉnh hiện nay để mở rộng hướng sản xuất bền vững. Ngoài ra, ốc hương là loài sống vùi trong cát ở tầng đáy của ao nuôi nên việc nuôi ghép cá măng, cá dìa ngoài yếu tố cải thiện môi trường ao nuôi còn góp phần khai thác hiệu quả phần thể tích nước trong ao, tăng thu nhập cho hộ nuôi.

Với những cơ sở trên, đầu năm 2021, Trung tâm Giống tỉnh đã đề nghị và được cấp thẩm quyền phê duyệt, được Sở Nông nghiệp và PTNT hợp đồng đặt hàng triển khai thực hiện Mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao (Mô hình).

Qua hơn 7 tháng triển khai Mô hình tại hai huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, ngày 23.12 vừa qua, Trung tâm Giống tỉnh đã tổ chức hội nghị đầu ao để tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình.

Mô hình triển khai từ tháng 6/2021 tại 07 hộ nuôi tại huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ. Hộ dân tham gia Mô hình được đầu tư từ nguồn ngân sách 70% chi phí con giống, 60% chi phí thức ăn, 50% chi phí vật tư: vôi, thuốc, hóa chất... Con giống được ương nuôi tại Trại Thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phong thuộc Trung tâm Giống. Khi thả nuôi, ốc đạt quy cỡ: Ốc hương: 7.000 - 9.000 con/kg; cá măng: 10g/con; cá dìa: 50g/con. Mật độ thả nuôi mỗi hồ (2.000m2): 600.000 ốc hương, 2.000 cá măng, 2.000 cá dìa.

Theo kế hoạch, tỷ lệ sống của ốc hương, cá măng, cá dìa là 70%. Tuy nhiên qua theo dõi, kiểm tra, tỷ lệ sống thực tế tại 07 ao nuôi mô hình đạt rất cao (từ 85-86%).  Trong suốt quá trình nuôi, ốc hương và cá măng, cá dìa sinh trưởng, phát triển nhanh, ổn định. Trong thời gian đầu nuôi, khi lượng thức ăn còn ít và môi trường ít biến động thì ốc hương ghép với cá măng, cá dìa của Mô hình phát triển bình thường, tốc độ phát triển tương đương với các hộ nuôi đơn ốc hương xung quanh.  Đến các tháng nuôi sau, khi lượng thức ăn sử dụng hàng ngày cho ốc hương ngày càng tăng lên thì lượng thức ăn dư thừa, chất thải của ốc hương phát sinh rong tảo, mùn bã hữu cơ làm nguồn thức ăn cho cá măng, cá dìa nên cá phát triển tốt, đồng thời cải thiện chất lượng nền đáy ao, nhờ vậy mà môi trường ao nuôi ổn định hơn, nền đáy của các ao nuôi Mô hình sạch hơn so với các ao nuôi đơn xung quanh tạo điều kiện để ốc hương sinh trưởng, phát triển tốt, ổn định, hạn chế mầm bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tại các hộ nuôi Mô hình, ốc hương và cá măng, cá dìa phát triển rất nhanh và vượt các chỉ tiêu của phương án đề ra về tỷ lệ sống, kích cỡ thu hoạch và thời gian nuôi.

Sau 7 tháng nuôi, trọng lượng ốc hương dao động đạt từ 115 – 145 con/kg (kế hoạch là 150 con/kg), cá măng từ 450g – 470g (kế hoạch 400g/con), cá dìa từ 200g-250g/con (kế hoạch 200g/con). Từ kết quả trên, với giá bán hiện nay, bình quân doanh thu đạt trên 863 triệu đồng/ao nuôi, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hồ còn lãi hơn 237 triệu đồng, trong đó có hồ lãi đến hơn 343,2 triệu đồng.

Ngoài kết quả nuôi, theo phân tích mẫu của Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, các chỉ số môi trường tại 07 ao nuôi Mô hình (COD, BOD, vi khuẩn vibrio spp và kết quả test các chỉ số pH, NH3, H2S, độ kiềm, oxy hòa tan…) ổn định, trong ngưỡng phù hợp với đặc điểm sinh học của ốc hương, cá măng, cá dìa. Nền đáy ao nuôi Mô hình sạch hơn so với các ao nuôi đơn ốc hương của các hộ dân nuôi xung quanh. Trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, thời tiết nắng nóng, tại các ao nuôi đơn ốc hương của hộ dân trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh, nhưng ốc hương của Mô hình vẫn khỏe, bắt mồi tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, không thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh trong thời gian này cũng như trong suốt quá trình nuôi.

Tại buổi tổng kết, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và bà con nuôi trồng thủy sản trong vùng mô hình đánh giá: Giải pháp của Mô hình đã hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ven biển, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng nuôi thủy sản trên cát. Đồng thời đa dạng hoá đối tượng nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, góp phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững tại địa phương.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở