Truy cập nội dung luôn
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH QUẢNG NGÃI

Giải pháp phòng, trừ bệnh virus khảm lá cho niên vụ trồng sắn 2021 - 2022

08/11/2021 16:18    171

Bệnh khảm lá sắn (mỳ) do virus có tên gọi là Srilankan Cassava Mosaic Virus gây ra, bệnh lan truyền qua hom giống và côn trùng môi giới bọ phấn trắng. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, niên vụ sắn 2020 - 2021, toàn tỉnh sản xuất trên 15.600 ha, với các giống chủ lực như KM94 (chiếm 50%), KM140, KM419, NA1,….nhưng đã có khoảng 8.300 ha (hơn 53% diện tích) bị nhiễm bệnh khảm lá do virus. Sơn Hà là huyện có diện tích sắn nhiều nhất tỉnh (chiếm trên 45%) và cũng là địa phương ghi nhận diện tích bị nhiễm bệnh cao nhất, khi tỷ lệ nhiễm lên đến 92,8% diện tích toàn huyện.

Theo các cơ quan chuyên môn, bệnh virus khảm lá sắn làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột, các ruộng sắn bị bệnh gây hại nặng ngay từ giai đoạn cây con sẽ gây mất trắng, không cho thu hoạch. Ước tính mức thiệt hại chung về năng suất ở các vùng sắn bị nhiễm bệnh từ 20 - 30%, tương ứng với sản lượng sắn sụt giảm do bệnh gây ra ở niên vụ 2019 - 2020 khoảng 23.244 tấn (tương đương 56 tỷ đồng), con số này ở niên vụ 2020 - 2021 khoảng 40.618 tấn (tương đương 97 tỷ đồng).

Từ khi xuất hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan tổ chức phòng, trừ nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi như Sơn Hà, Sơn Tây,...Nhận thức và phương thức sản xuất của người trồng sắn còn nhiều hạn chế, nông dân sử dụng hom giống trên những ruộng đã bị nhiễm bệnh để trồng lại, trong khi phần lớn diện tích trồng sắn là đất đồi núi, nghèo dinh dưỡng, khô hạn, không được đầu tư chăm sóc nên sắn càng nhiễm bệnh nặng hơn. Việc tìm nguồn giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh để sản xuất hiện nay là rất khan hiếm, theo như các địa phương là “có tiền cũng không mua được”.

Dự kiến, niên vụ 2021 - 2022, toàn tỉnh xuống giống hơn 13.800 ha sắn. Tuy nhiên, khả năng tự cung ứng nguồn giống tương đối sạch bệnh tại chỗ chỉ được khoảng 2.500 ha, với diện tích 11.300 ha còn lại cần khoảng 135 triệu hom giống. Để giải quyết vấn đề này, ngày 20/10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phòng, trừ bệnh virus khảm lá sắn cho thời gian đến. Giải pháp trước mắt được các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đưa ra tại cuộc họp là tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ bệnh có hiệu quả; đẩy mạnh việc chăm sóc, bón phân, tưới nước để tăng sức đề kháng cho cây và giảm thiệt hại về năng suất, nhanh chóng tìm nguồn hom giống sạch bệnh đáp ứng thời vụ xuống giống sắp tới, hạn chế tối đa việc người dân tái sử dụng hom giống tại các ruộng sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá do virus từ vụ trước. Tại những vùng sắn đã bị nhiễm bệnh nặng, cần rà soát, hướng dẫn nông dân chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế như ngô sinh khối, mè, rau, đậu các loại. Tại các vùng chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới có thể không trồng sắn ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh, giảm áp lực về nhu cầu giống sắn sạch bệnh hiện nay.

Đánh giá công tác phòng, trừ dịch bệnh khảm lá sắn do virus, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, trừ để đảm bảo sản xuất cho bà con nông dân. Tuy nhiên, Quảng Ngãi cũng giống như các địa phương khác trên cả nước đang gặp khó khăn lớn do khan hiếm nguồn giống kháng bệnh, sạch bệnh để phục hồi sản xuất.

Phó Chủ tịch khẳng định, sắn là một cây trồng chính lâu năm trên đất Quảng Ngãi, có khả năng chịu hạn, tương đối thích nghi trên chân đất nghèo dinh dưỡng, không chủ động nước tưới. Ðặc biệt, đối với đồng bào các huyện miền núi, cây sắn, cây keo và một số loại cây trồng khác được xem là cây giảm nghèo có hiệu quả. Do đó, ngoài các giải pháp trước mắt mà các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương đã đề xuất, về lâu dài, Phó Chủ tịch yêu cầu các Sở, ngành liên quan như Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi,…khẩn trương liên hệ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất hom giống kháng bệnh trong nước có khả năng thích ứng trên địa bàn tỉnh để đưa về nhân nhanh, tạo nguồn nguyên liệu giống ổn định phục vụ cho sản xuất đại trà, trong đó ưu tiên cho các vùng sắn trên địa bàn các huyện miền núi.

Văn Hùng

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hồ Trọng Phương - Trưởng Ban Biên tập Cổng TTĐT Sở